Hiện nhiều sàn giao dịch tiền ảo tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản ảo tràn lan không phép, khiến nhiều người sập bẫy.
Nhiều người vẫn kỳ vọng sinh lời lớn từ các sàn giao dịch tiền ảo.
Hoạt động không phép
Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết nhiều báo cáo từ người tiêu dùng gửi về Hiệp hội cho thấy, họ bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví điện tử không rõ thông tin, chưa được cơ quan quản lý xác thực.
Nhiều nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) hoạt động không phép tại Việt Nam hiện nay đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điển hình là tình trạng âm thầm thu thập dữ liệu cá nhân không hợp pháp, sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng không đúng mục đích.
Theo ông Trung, tại Việt Nam hiện nay, có nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài sản ảo không rõ thông tin như CrossFi, Mineplex, ALEO… tổ chức những hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh của chính ông và Hiệp hội Blockchain nhằm tạo uy tín để huy động tiền từ người tham gia. Chẳng hạn như CrossFi tổ chức các hội thảo lên đến hàng nghìn người và huy động số tiền lên đến 3.000 tỷ đồng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều sàn giao dịch tiền ảo như Binance, Mexc, BingX, Gate.io… tổ chức tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản ảo tràn lan không phép. Ngoài ra, một số sàn khi có người dùng bị lừa đảo liên hệ với Hiệp hội Blockchain nhờ hỗ trợ, lại không tiến hành hợp tác để giải quyết.
Trường hợp điển hình là một người dùng tại Việt Nam bị lừa đảo 100.000 USDT (đơn vị tiền mã hoá đại diện cho USD). Mặc dù người dùng có giấy biên nhận tiếp nhận thông tin trình báo vụ việc từ cơ quan công an về việc họ bị lừa đảo tiền mã hoá và đưa lên sàn MEXC, nhưng sàn không phối hợp xử lý. Trong khi đó, sàn yêu cầu người dùng phải ký NDA (điều khoản bảo mật) mới tiếp tục được hỗ trợ xử lý. Đến nay, người dùng này vẫn chưa thu hồi được tài sản.
Trường hợp thứ hai xảy ra giữa người dùng và sàn tiền ảo Gate.io. Theo đó, một người dùng tại Việt Nam đã bị lừa đảo 800.000 USDT, dự án truy vết giao dịch ChainTracer của Hiệp hội Blockchain đã tìm ra các dòng tiền chảy về sàn Gate.io, tuy nhiên, đại diện sàn này đã từ chối hợp tác. Sàn này cũng đã từng được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cảnh báo trong thời gian qua.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Thị trường Trái phiếu Việt Nam, nhấn mạnh: Tài sản ảo và các hoạt động xung quanh đó là một thực tế xã hội đã và đang tồn tại quy mô lớn ở Việt Nam và trên toàn cầu. Tài sản ảo cũng có thể được coi là một trong nhiều sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình phát triển của xã hội hướng tới đáp ứng tốt hơn nhu cầu của con người.
“Chính sự hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ của người dùng cho thấy sự sáng tạo này đã phần nào đáp ứng tốt nhu c phát triển của xã hội. Các ý tưởng sáng tạo thường đi trước sự phát triển của khung pháp lý và luôn mang đến cả những tác động tích cực và tiêu cực đối với xã hội. Vì vậy, việc hình thành khung pháp lý là cần thiết để bảo vệ người dùng” – ông Quỳnh chia sẻ.
Cần khung pháp lý phù hợp
Các chuyên gia cho rằng việc cấm giao dịch hay cấm các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) hoạt động là không khả thi. Thay vào đó, cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền.
Theo đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam, việc đóng thuế từ tài sản số nên được thực hiện như việc đóng thuế trúng vé số vì đầu tư tiền ảo cũng như mua vé số, tiền trúng là tiền may mắn.
Bên cạnh đó cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn cộng đồng, tiêu chuẩn dự án và ứng dụng công nghệ RegTech (Công nghệ hỗ trợ tuân thủ quy định) truy vết on-chain có thể góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận, lừa đảo liên quan đến tài sản ảo.
Giới chuyên gia cũng nhận định, để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam thì pháp luật phải đóng vai trò thúc đẩy, bảo vệ quyền sở hữu đối với các loại tài sản mới do cuộc cách mạng này tạo ra. Tuy nhiên, đây là những vấn đề rất mới và khó nên chưa thể đề xuất ngay những giải pháp toàn diện. Do vậy có thể tiếp cận theo hướng vừa theo dõi chặt chẽ sự phát triển của công nghệ, thị trường vừa tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các bên liên quan (doanh nghiệp, người tiêu dùng…) để đưa ra giải pháp chính sách phù hợp.
Tài sản mã hóa là một vấn đề mới không chỉ đối với Việt Nam mà cả các nước phát triển cũng chưa có khung pháp lý toàn diện để điều chỉnh các tài sản này. Các nước hiện nay chủ yếu tiếp cận theo hướng dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro, áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm vừa khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, vừa hạn chế các rủi ro.