Triệu chứng trên người
Hơn 20 năm qua, sự bùng phát của virus cúm gia cầm đã làm hàng chục triệu gia cầm nhiễm bệnh và chết. Chúng có thể kết hợp với virus cúm ở người tạo ra một loại virus mới có đầy đủ tính năng của 2 loại virus cũ, dễ dàng tạo ra đại dịch cúm cho người với tỉ lệ biến chứng nặng, nguy cơ tử vong rất lớn.
Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận những ổ dịch cúm gia cầm tại 6 địa phương gồm Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Giai đoạn này là thời điểm thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Sau nhiều năm vắng bóng, cúm gia cầm xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Đặc biệt, thời tiết trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho căn bệnh này phát triển.
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm không chỉ cho chim, mà cả con người và các động vật khác. Mặc dù có một số loại dịch cúm gia cầm, nhưng H5N1 là virus cúm gia cầm đầu tiên lây sang người gây ra bệnh cúm gia cầm hay còn gọi là cúm chim. Virus H5N1 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã, chủ yếu là vịt trời và gia cầm như vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng.
Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt. Chợ trời và các địa điểm bán trứng và chim trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh, chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng dân cư. Thịt hoặc trứng từ những con chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm.
Các dấu hiệu và triệu chứng của cúm gia cầm bắt đầu trong vòng 2 – 7 ngày kể từ khi nhiễm bệnh, tùy thuộc vào loại virus cúm gia cầm. Phần lớn các trường hợp, nhìn chung triệu chứng của bệnh cúm gia cầm giống với cúm thông thường, bao gồm: Ho, sốt, viêm họng, đau cơ, đau đầu, khó thở,… Một số người cũng có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Và trong một vài trường hợp, nhiễm trùng mắt nhẹ là dấu hiệu duy nhất của bệnh.
Con người có thể bị nhiễm virus cúm A truyền từ động vật, như virus cúm gia cầm A, thuộc type A (H5N1), A (H5N6), A (H7N9), A (H7N7) và A (H9N2) và virus cúm lợn A type A (H1N1), A (H1N2) và A (H3N2).
Tuy nhiên, cúm A/H5N1 trở thành “sát thủ” nguy hiểm bởi đây là chủng virus có khả năng cho ra đời các biến thể với tốc độ rất nhanh, có thể chứa nhiều gen của nhiều loài động vật khác nhau. Loại virus này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Theo bác sĩ Lê Thị Nga, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội), khi mắc phải cúm gia cầm, bệnh nhân sẽ bị sốt cao, ho, mệt mỏi, hôn mê, đau nhức toàn thân… Người bệnh nhiễm cúm gia cầm thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường ở giai đoạn khởi phát nên dễ bị nhầm lẫn và kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn như ho nhiều hơn, ho khan và cả ho có đờm; sốt cao liên tục; rối loạn ý thức, giảm tỉnh táo, trí nhớ giảm, mệt mỏi, đau rát họng, đỏ và nóng da, hôn mê, đau đầu, đau thái dương, đau hốc mắt, đau xương khớp, toàn thân đều đau nhức…
Do đó, ngay khi có những dấu hiệu trên xuất hiện thì bệnh nhân cần đi khám và kiểm tra để chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời; tránh nguy cơ biến chứng có thể đe dọa đến tính mạng.
Nếu không được điều trị hoặc can thiệp muộn, bệnh cúm gia cầm có thể dẫn đến những nguy cơ biến chứng như bội nhiễm tai mũi họng – tỷ lệ cao đối với trẻ nhỏ; tổn thương các cơ quan trong hệ hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.
Nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhiễm cúm dẫn đến suy đa tạng như suy gan, thận, não, suy giảm hệ miễn dịch do giảm mạnh số lượng bạch cầu trong máu. Các biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm màng não lympho, phù não, đông máu nội mạch rải rác…
Điều trị bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm tại bệnh viện. Ảnh tư liệu.
Chủ động phòng, chống
Để chủ động phòng, chống dịch cúm lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ, sử dụng, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
Các chiến dịch tiêm phòng vắc-xin cho gia cầm đối với virus cúm giúp ngăn chặn chủ động sự lây lan virus cúm từ các loài chim hoang dã tự nhiên sang gia cầm. Khi xác định có virus cúm xuất hiện ở gia cầm, cần tiêu diệt đàn gia cầm bị nhiễm bệnh để tránh lây lan.
Tránh tiếp xúc không được bảo vệ với các loài chim hoang dã, kể cả khi trông khỏe mạnh và các loài gia cầm có biểu hiện ốm yếu hoặc chết, nhất là không chạm vào các bề mặt có thể bị nhiễm nước bọt, chất nhầy hoặc phân của chúng.
Khi phải tiếp xúc với gia cầm có biểu hiện bệnh, cần sử dụng trang phục bảo hộ như găng tay, khẩu trang y tế và kính bảo vệ mắt và rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi tiếp xúc. Nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh cũng cần sử dụng trang phục bảo hộ, với các thủ thuật can thiệp hoặc tạo khí dung cần dùng khẩu trang y tế.
Theo bác sĩ Lê Thị Nga, khi có biểu hiện lâm sàng, kèm theo tiền sử tiếp xúc với người đang mắc cúm gia cầm hoặc tiếp xúc với gia cầm trong khu vực đang có dịch, kể cả đi du lịch đến các vùng lưu hành cúm gia cầm, cần nghi ngờ nhiễm bệnh và phải đến ngay cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm chẩn đoán cúm để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Cúm gia cầm diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan từ gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa
Trong đó, cần lưu ý rằng, việc sử dụng kháng sinh khi bệnh nhân không có tình trạng bội nhiễm vi khuẩn cũng không cần thiết và làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Vì vậy, người bệnh không tự ý mua thuốc uống khi có các biểu hiện nhiễm cúm mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng.
“Các điều trị bổ trợ cơ bản trong điều trị cúm mà người dân có thể tự thực hiện tại nhà như nghỉ ngơi, cung cấp đầy đủ nước và dinh dưỡng, hạ sốt bằng thuốc hạ sốt paracetamol khi sốt trên 38,5oC, cân bằng dịch và điện giải bằng cách uống oresol”, bác sĩ Nga thông tin.
Theo bác sĩ Nga, khi bệnh nhân bị nhiễm cúm gia cầm, các triệu chứng của cúm khiến người bệnh rất khó chịu và không muốn ăn uống. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ khiến cơ thể càng mệt mỏi và lâu hồi phục.
Vì vậy cần đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Các món ăn nên chế biến dưới dạng lỏng, giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa.
Người bệnh nên ăn các món như cháo gà, cháo thịt lợn, cháo thịt bò, súp gà, canh gà kèm với rau củ… giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt. Thịt gà là thực phẩm rất tốt cho người bị cúm vì thịt gà chứa nhiều chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, không chứa nhiều chất béo. Thịt gà còn là thực phẩm dễ tiêu hóa và có tác dụng giải cảm rất tốt.
Bên cạnh đó, người mắc cúm cơ thể rất mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút nên việc bổ sung thực phẩm giàu protein là rất cần thiết để cơ thể phục hồi. Protein là thành phần chính cấu tạo nên các tế bào và mô mới cho cơ thể.
Để duy trì một cơ thể khỏe mạnh, tái tạo và phục hồi các tế bào và mô là vô cùng quan trọng. Protein cũng cho phép cơ thể sản xuất các kháng thể mà nó cần để chống lại sự xâm nhập của virus và vi khuẩn. Thực phẩm giàu protein lành mạnh bao gồm: Trứng, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, các loại hạt, các sản phẩm từ sữa ít béo…
Ngoài ra, vitamin C giúp kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus. Đặc biệt, vitamin C là một chất chống oxy hoá mạnh nên giúp bảo vệ các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa được các loại vi khuẩn, virus gây bệnh.
Vì vậy, bổ sung vitamin C rất hiệu quả để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của bệnh cúm. Nguồn thực phẩm bổ sung vitamin C tốt nhất là trong các loại trái cây và rau quả như: Trái cây họ cam quýt; đu đủ, táo, lê, chuối, ổi, nho, dâu tây, kiwi, việt quất…; các loại rau như cà chua, ớt chuông, bông cải xanh…
Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng bệnh. Bộ Y tế cho biết, chưa có bằng chứng cho thấy cúm A (H5N1) lây từ người sang người.