Không gian mạng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đối với trẻ em. Ảnh minh họa.
Liên tiếp các vụ việc
Một người đàn ông 26 tuổi ở Chợ Lách, Bến Tre xin thông tin tài khoản Facebook của bé gái 13 tuổi cùng huyện từ bạn của cháu, lừa đến nhà nghỉ với chiêu bài “nhờ thông qua cháu tặng quà sinh nhật cho em ruột là bạn học của nạn nhân”. Tại nhà nghỉ, hung thủ xâm hại tình dục và trong quá trình đó, do bé chống cự đã bóp cổ nạn nhân đến chết. Hung thủ cướp đi hoa tai và chiếc xe máy của bé gái rồi bỏ trốn, sau đó bị bắt.
Một vụ việc khác, xảy ra tại TPHCM: A. (17 tuổi, học sinh THPT) trở thành nạn nhân của một kẻ có hành vi biến thái trên MXH. A. kể: Thông qua một nhóm “mua bán truyện tranh”, tài khoản Facebook Nhi Trần đã liên hệ để mua truyện tranh của A. Cho rằng người mua là nữ giới và trong nhóm đa số là học sinh nên A. đã tư vấn, trao đổi truyện. Tuy nhiên, tài khoản này sau đó liên tục yêu cầu nạn nhân gọi video và bắt phải quay mặt.
“Người đó bảo em gọi video để kiểm tra chất lượng truyện. Hai lần đầu gọi thì do mạng yếu, đến lần thứ ba người đó quay bộ phận nhạy cảm của mình”, A. nói và cho biết lúc đó đã rất hoảng sợ, làm rơi điện thoại. “Sau đó em tìm hiểu thì biết tài khoản này đã nhiều lần tấn công các bạn trong nhóm với phương thức tương tự”, A. nói.
Các vụ việc, vụ án kẻ xấu lợi dụng MXH để thực hiện hành vi tội phạm một lần nữa cho thấy sự nguy hiểm của không gian mạng đối với trẻ em.
Tại Việt Nam, trẻ em là đối tượng sử dụng MXH rất lớn. Một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEFF) tại Việt Nam năm 2022 cho thấy: trong 1.416 trẻ em tham gia khảo sát, 89% trẻ em từ 12 – 17 tuổi có điều kiện kết nối internet trong vòng 3 tháng gần nhất. Tất cả trẻ em được khảo sát đều cho biết mình sử dụng internet ở nhà. Các trang MXH và ứng dụng MXH như Facebook, TikTok, Zalo… đã trở thành một xã hội thu nhỏ, không chỉ phản ánh mọi khía cạnh của đời sống mà có thể gây ra hoặc tác động không nhỏ đến cuộc sống thực.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội, MXH cũng có những tác động tích cực đến lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên. Các tác giả cho rằng MXH trước hết là phương tiện truyền thông đắc lực. Bằng hành động kể nối, trẻ em “đã có cả thế giới trong tầm tay”. Người sử dụng có thể tìm thấy mọi thông tin mình mong muốn và đưa ra nhiều lựa chọn hữu ích. MXH chính là một kho lưu trữ tri thức khổng lồ. Bên cạnh đó, MXH còn là môi trường giải trí, giao lưu bạn bè, là môi trường chia sẻ cảm xúc, bồi dưỡng tâm hồn.
Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương trong khi các MXH và các thiết chế xã hội chưa có đủ cơ chế để bảo đảm an toàn cho đối tượng này trên không gian mạng.
Theo hai nhà nghiên cứu của Học viện Phụ nữ Việt Nam (Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy và Thạc sĩ Đỗ Văn Trọng), trẻ em là nhóm tiếp xúc nhanh, mạnh với môi trường MXH nhưng cũng là nhóm dễ bị tổn thương và rủi ro nhất. Trẻ tiếp cận thông tin theo chiều tích cực và tiêu cực từ MXH, nhưng bản thân lại chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm để nhận diện hành vi xấu – tốt, đúng – sai. Vì vậy, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của nạn bắt nạt, tống tiền, nói xấu, kích động, lừa đảo, buôn bán người… trên không gian mạng.
Kết quả một nghiên cứu thực hiện tại Hà Nội với 873 học sinh cho thấy, 34,3% là nạn nhân của ít nhất một hình thức bắt nạt trực tuyến; 24,8% là thủ phạm của ít nhất một hình thức bắt nạt trực tuyến và 15,3% vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Học sinh càng có nhiều bạn trên không gian mạng và có hành vi tiêu cực thì mức độ bắt nạt và bị bắt nạt càng cao. Học sinh có khả năng trở thành nạn nhân của bắt nạt trực tuyến thường là các em có phòng riêng, sử dụng Facebook và các trang MXH khác với tần suất cao.
Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng nghiện MXH không chỉ có ở người trưởng thành mà còn phổ biến ở trẻ em mà một phần nguyên nhân đến từ chính các nền tảng MXH, với các thiết kế, thuật toán với chủ đích “gây nghiện”.
Các nghiên cứu còn cho rằng thói quen sử dụng mạng xã hội có thể dẫn đến các triệu chứng ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý). Trẻ có triệu chứng này thiếu tập trung, hiếu động quá mức, có hành vi bốc đồng, lòng tự trọng thấp, gặp rắc rối với các mối quan hệ xã hội và thành tích học tập kém.
Giải pháp nào?
Nhóm nghiên cứu của Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng, mặc dù chúng ta đã xây dựng luật pháp, thiết chế để bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng, nhưng với các vụ việc, vụ án vẫn liên tục xảy ra, xã hội cần thêm những giải pháp khác.
Nhóm kiến nghị, bên cạnh thực hiện tốt các luật bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em, riêng với lĩnh vực không gian mạng, cần thực thi thêm một số biện pháp.
Nhóm đề nghị cơ quan chức năng xây dựng, cung cấp ứng dụng, phần mềm trực tuyến hỗ trợ cha mẹ trong việc kiểm soát hoạt động của trẻ trên không gian mạng. Nghiên cứu giải pháp sử dụng mã số định danh truy cập không gian mạng an toàn cho trẻ ở bất kỳ đâu và bất kỳ thiết bị nào phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Có cơ chế giám sát về độ tuổi đăng ký tài khoản sử dụng internet đối với trẻ em.
Bên cạnh đó, các nhà trường xây dựng nội dung giáo dục về những nguy cơ khi truy cập mạng internet cũng như các kỹ năng xử lý tình huống khi gặp các thông tin xấu, độc hay các trò lừa đảo trên mạng.