Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định chuối là 1 trong 5 loại cây trồng chủ lực với mục tiêu đến năm 2025 đạt 3.500 ha, sản lượng 63.000 tấn, giá trị đạt 800 tỷ đồng; đến năm 2030, diện tích chuối đạt 5.000 ha và giữ ổn định đến năm 2050, trong đó 1.500 ha chuối trồng mới được chuyển đổi từ diện tích cây trồng kém hiệu quả.
Tuy nhiên, trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân khiến diện tích cây chuối trên địa bàn tỉnh liên tục giảm. Nông dân nhiều địa phương, đặc biệt là huyện Mường Khương đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng chuối sang các loại cây trồng khác. Hiện toàn tỉnh còn 1.919 ha chuối, trong đó huyện Bát Xát giữ được hơn 1.000 ha.
Tại huyện Mường Khương, năm 2020, toàn huyện có hơn 2.000 ha chuối, sản lượng thu hoạch đạt 45.250 tấn, đến năm 2021, diện tích trồng chuối giảm còn 1.310 ha, sản lượng thu hoạch 28.177 tấn… Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện còn 319 ha chuối, sản lượng thu hoạch đạt hơn 12.300 tấn.
Lý giải về việc diện tích chuối giảm mạnh, ông Phùng Huy Tường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho rằng, phần lớn diện tích chuối giảm là do bị nhiễm bệnh vàng lá panama khiến người dân buộc phải chuyển sang các loại cây trồng khác. Các hộ đang duy trì diện tích trồng chuối đều phải thuê đất để trồng mới, không trồng lại trên diện tích đã trồng chuối của những năm trước. Hiện giá chuối cao nên người trồng chuối rất phấn khởi. “Chúng tôi đã cử cán bộ vận động người dân mở rộng diện tích trồng chuối bằng cách luân canh, đưa các giống chuối kháng bệnh vào sản xuất” – ông Tường cho biết.
Trong khi hầu hết diện tích cây chuối ở các địa phương giảm do nhiễm bệnh vàng lá panama thì tại huyện Bát Xát, diện tích trồng chuối vẫn duy trì ổn định với hơn 1.000 ha. Theo kinh nghiệm của những nông dân trồng chuối tại địa phương này, để đối phó với bệnh vàng lá panama, họ liên tục luân canh các thửa đất, thường xuyên theo dõi vườn, dọn thực bì, xử lý các khóm chuối bị bệnh, tránh bệnh lây lan.
Ông Phàn A Cường, thôn San Bang, xã Bản Vược (Bát Xát) – người có nhiều năm kinh nghiệm trồng chuối xuất khẩu – cho biết: Giải pháp tốt nhất trước mắt là không trồng thâm canh. Sau mỗi lứa chuối (3 – 5 năm), nông dân phải trồng chuối ở thửa đất khác. Đối với đất đã trồng chuối có thể chuyển sang trồng cây ngắn ngày hoặc trồng rừng, vài năm sau có thể trồng chuối trở lại. Về lâu dài, chúng tôi mong các cơ quan liên quan nghiên cứu đưa ra thị trường các giống chuối kháng bệnh để người dân sản xuất hiệu quả hơn.
Diện tích chuối giảm ở nhiều địa phương khiến sản lượng thu hoạch chuối quả giảm mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, sản lượng chuối thu hoạch toàn tỉnh mới đạt khoảng 32.000 tấn, tương đương hơn 50% sản lượng chuối năm 2022. Giá chuối ở thời điểm hiện tại đang ở mức 5.000 – 7.000 đồng/kg, nhưng nông dân các địa phương không có sản phẩm để bán. Chưa kể, diện tích chuối giảm, thiếu sản lượng cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị thu hồi mã số vùng trồng chuối xuất khẩu đã được cấp.
Chuối là cây trồng rất có giá trị, thời gian thu hoạch ngắn, 1 lần trồng có thể thu hoạch trong 5 năm nên hiệu quả kinh tế cao, giá trị thu nhập bình quân đạt 130 – 150 triệu đồng/ha/năm. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với 1 doanh nghiệp để thay một phần diện tích chuối tiêu hồng bằng giống chuối tây, đây là giống chuối có khả năng kháng bệnh vàng lá panama. Doanh nghiệp này cũng cam kết thu mua quả chuối với giá 5.500 đồng/kg, 350.000 đồng/tấn đối với cây chuối để sản xuất sợi tơ chuối. Các địa phương cần có chiến lược rõ ràng để duy trì, phát triển cây chuối, tránh tình trạng khi giá chuối quả lên cao, nông dân không có sản phẩm bán như hiện nay.