Hiện, Cán Cấu phát triển 50 ha cây đương quy và gừng.
Một trong những giải pháp được Cán Cấu lựa chọn đó là tuyên truyền, định hướng cho bà con chuyển đổi cây trồng. Dựa trên lợi thế địa phương về trồng cây dược liệu, nhiều hộ dân đã kịp thời chuyển sang trồng đương quy, trồng gừng… Được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, một số hộ đã có thu nhập khá, không còn phụ thuộc vào cây trồng truyền thống như lúa, ngô trước đây. “Trồng ngô thì không được như thế này đâu. Trồng cây đương quy tuy khó chăm sóc nhưng bán được giá cao hơn”, bà Sùng Thị Phừ, thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai chia sẻ.
“Trồng cây gừng giá trị kinh tế cao hơn so với cây ngô, lúa và dễ chăm sóc hơn. So với một diện tích lúa, ngô thì cây gừng sẽ thu được nhiều hơn”, bà Tráng Thị Sáo, thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết.
Tại xã Cán Cấu, việc nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập và giảm nghèo được chú trọng.
Trước đây, thu nhập của người dân xã Cán Cấu chủ yếu dựa vào cây ngô, lúa và chăn nuôi đại gia súc. Với chăn nuôi, do giá cả thị trường nên ít nhiều bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, xã kịp thời đưa ra giải pháp chuyển đổi sản xuất. Hiện, Cán Cấu phát triển được 50 ha cây đương quy và gừng. Thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 30%. “Chúng tôi đang tập trung xây dựng các mô hình phát triển kinh tế – xã hội. Ví dụ như trồng gừng, cây đương quy và một số cây dược liệu khác. Hiện tại, cây gừng, cây đương quy là những cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao phục vụ cho bà con thoát nghèo, giảm nghèo”, anh Hảng A Tủa, Phó Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai nói.
Hiện, nhiều mô hình phát triển kinh tế khác cũng đang được Cán Cấu nghiên cứu triển khai như: phát triển cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi đại gia súc… Với giải pháp như vậy, Cán Cấu không chỉ duy trì tiêu chí thu nhập, mà còn nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Việt Hùng – Thành Thuận