Để phát triển văn hóa đọc, trước hết phải xây dựng được thói quen đọc sách cho trẻ em.
Duy trì để tạo thành thói quen
Ông Phạm Văn Tường – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mậu Long (xã Mậu Long, huyện Yên Minh, Hà Giang) cho biết, việc phát triển văn hóa đọc vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiệm vụ của nhà trường là dạy đọc, dạy viết cho học sinh trong nội dung chương trình, còn vấn đề đọc sách các thầy cô chỉ dừng ở mức khuyến khích. Bên cạnh đó, để các em đam mê đọc sách thì còn rất nhiều việc phải làm, như xây dựng thư viện sách, nguồn sách…
TS Phạm Việt Long – Chủ tịch Hội đồng quản lý Nhà xuất bản Dân trí cho rằng, yếu tố văn hóa đọc chưa được phát triển mạnh mẽ và thấm nhuần vào đời sống hàng ngày của người dân. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện giải trí hiện đại tạo ra sự cạnh tranh, làm giảm đi thời gian và sự quan tâm dành cho việc đọc sách. Bên cạnh đó, việc tiếp cận sách, đặc biệt là ở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế do thiếu thốn về cơ sở vật chất. Điều này có thể phản ánh một thách thức lớn trong việc hình thành và duy trì văn hóa đọc.
Nhà văn trẻ Phụng Thiên cho rằng, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhiều người yêu sách, thích đọc sách nhưng sau khi ra trường, phải chạy theo cuộc sống, bận rộn… người ta lại quên đi thói quen đọc sách do chính mình tạo ra từ bé. Chỉ đến khi đứng trước những sự kiện, ngã rẽ của cuộc đời, con người ta mới quay trở lại với sách để tìm kiếm sự bình yên, lý trí và hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới.
“Theo tôi, ở bất kỳ thời điểm nào, giai đoạn nào mỗi người đều cần thiết duy trì thói quen đọc sách. Văn hóa đọc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Nó không chỉ là một hình thức giải trí thông thường, mà còn là nguồn cảm hứng và tri thức vô tận. Văn hóa đọc không chỉ giúp khám phá những câu chuyện hấp dẫn và nhân vật đầy sức sống, mà còn mở rộng tầm nhìn của chúng ta về thế giới xung quanh. Nó không chỉ nuôi dưỡng trí tuệ và tinh thần, mà còn làm cho cuộc sống trở nên giàu ý nghĩa và đáng sống hơn” – nhà văn Phụng Thiên chia sẻ.
Hãy đưa sách đến tận tay người đọc
Những năm qua, một số thư viện đã duy trì việc tổ chức thư viện lưu động đến các trường học, thôn, tổ dân phố, phòng đọc cơ sở, khu công nghiệp… vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nhằm khuyến khích đọc sách. Nhưng nhìn chung vẫn chưa làm thay đổi được hiện trạng về văn hóa đọc hiện nay.
Ở khu vực thành thị, để thúc đẩy văn hóa đọc, ngoài những sự kiện về sách thì cũng có nhiều hoạt động như triển khai thực hiện phục vụ thư viện lưu động tại một số không gian công cộng; tủ sách thiếu nhi tại khu chung cư… Còn đối với người dân nông thôn và vùng sâu vùng xa, khi hệ thống thư viện còn ít ỏi, công tác tuyên truyền cũng chưa được đẩy mạnh, thì việc thúc đẩy văn hóa đọc có lẽ là rất khó khăn.
Để phát triển văn hóa đọc bền vững và lan tỏa mạnh mẽ, TS Phạm Việt Long cho rằng, trước hết, cần nâng cao nhận thức về giá trị của việc đọc sách thông qua chiến dịch truyền thông quốc gia; phối hợp với các phương tiện truyền thông, trường học, và tổ chức xã hội. Chính phủ nên xây dựng và nâng cấp hệ thống thư viện công cộng và thư viện trường học, đặc biệt ở vùng nông thôn; Hỗ trợ các nhà xuất bản phát hành sách chất lượng, giá rẻ và khuyến khích phân phối sách đến vùng sâu, vùng xa.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần tiếp tục xây dựng và nâng cấp về chất đối với các thư viện công cộng, trung tâm đọc sách, hoặc góc đọc sách tại các cơ sở giáo dục và cộng đồng, khuyến khích đọc từ sớm. Cùng với đó là tạo sự hấp dẫn và đa dạng trong sách. Tìm kiếm và cung cấp các tác phẩm văn học hấp dẫn, bao gồm cả sách tiểu thuyết, sách thiếu nhi, sách khoa học, sách lịch sử và sách tham khảo. Đảm bảo rằng sách phù hợp với mọi độ tuổi, sở thích và quan tâm của độc giả.
Ths Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam:
Phải bám sát nhu cầu người đọc
Để không ngừng nâng cao văn hóa đọc, cần có chiến lược nghiên cứu thị trường để có kế hoạch xuất bản những cuốn sách hay, sách tốt, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người đọc. Chất lượng nội dung của xuất bản phẩm cần đặc biệt được chú ý. Cũng như cần nghiên cứu để có nhiều ấn phẩm sách điện tử, sách nói, phục vụ nhân dân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường bổ sung sách, báo, tài nguyên thông tin, xây dựng kho tư liệu ngày càng phong phú với phương châm bám sát nhu cầu bạn đọc, bổ sung kịp thời các loại tài liệu, bộ sưu tập số có giá trị, có tác dụng tốt trong phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.