Các chuyên gia cho biết căn bệnh do muỗi truyền như sốt rét, sốt xuất huyết lây lan ở châu Âu do biến đổi khí hậu sẽ lan đến các khu vực không bị ảnh hưởng ở Bắc Âu, châu Mỹ, châu Á và Australia.
1. Vì sao biến đổi khí hậu khiến cho bệnh do muỗi truyền gia tăng?
Muỗi làm lây truyền các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết, tỷ lệ lưu hành bệnh đã gia tăng lên rất nhiều trong 80 năm qua do hiện tượng ấm lên toàn cầu kết hợp khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi phát triển mạnh.
Ngoài ra, hạn hán và lũ lụt liên quan đến biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự lây truyền virus nhiều hơn, với lượng nước tích trữ sẽ tạo thêm nơi sinh sản cho muỗi.
Giáo sư Rachel Lowe, người đứng đầu nhóm phục hồi sức khỏe toàn cầu tại Barcelona, Tây Ban Nha, đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh do muỗi truyền sẽ lan rộng khắp nơi, ngay cả những khu vực không bị ảnh hưởng như Bắc Âu, châu Á, Bắc Mỹ và Australia trong vài thập kỷ tới, thế giới cần chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh mẽ của các căn bệnh này.
Muỗi vằn Aedes gây bệnh sốt xuất huyết.
Sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc các vectơ gây bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có thể tìm thấy nơi cư trú ở nhiều khu vực hơn, với các đợt bùng phát dịch xảy ra ở những nơi mà người dân có khả năng miễn dịch kém, hệ thống y tế công cộng và công tác dự phòng chưa tốt.
Bệnh sốt xuất huyết trước đây chủ yếu xuất hiện ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, vì nhiệt độ đóng băng qua đêm sẽ giết chết ấu trùng và trứng của côn trùng ở xứ ôn đới. Nhưng ngày nay do mùa nóng kéo dài hơn và sương giá ít hơn đã trở thành các yếu tố gây bệnh do virus lây truyền qua muỗi nhanh nhất trên thế giới và đang lan rộng ở châu Âu.
Tính đến năm 2023 muỗi hổ châu Á (Aedes albopictus), mang mầm bệnh sốt xuất huyết đã xuất hiện ở 13 quốc gia như: Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Malta, Monaco, San Marino, Gibraltar, Liechtenstein, Thụy Sĩ, Đức, Áo, Hy Lạp và Bồ Đào Nha.
Muỗi đang phát triển mạnh thuận lợi cho việc lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Theo báo cáo số ca sốt xuất huyết đã tăng gấp 8 lần trong hai thập kỷ qua kể từ 500.000 ca mắc vào năm 2000 lên tới hơn 5 triệu ca bệnh năm 2019.
Giáo sư Lowe cho biết thêm nếu quá trình thải khí carbon tăng cao và tăng trưởng dân số tiếp tục gia tăng như hiện nay, số người sinh sống ở những khu vực có bệnh do muỗi truyền sẽ tăng gấp đôi lên tới 4,7 tỷ vào cuối thế kỷ này.
Biến đổi khí hậu làm gia tăng các bệnh do muỗi truyền.
2. Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng kháng thuốc
Giáo sư Sabiha Essack tại Đại học KwaZulu-Natal ở Nam Phi cho biết biến đổi khí hậu là “mối đe dọa cấp số nhân” đối với tình trạng kháng thuốc: “Biến đổi khí hậu làm tổn hại đến tính toàn vẹn sinh thái và môi trường, hệ thống nước, tạo điều kiện cho mầm bệnh ngày càng gia tăng”.
Các hoạt động của con người gắn liền với sự gia tăng dân số và giao thông đi lại, cùng với biến đổi khí hậu, làm tình trạng kháng thuốc và lây lan các bệnh lây truyền qua nước, qua vector ở người, động vật và cây trồng tăng cao.
Giáo sư Lowe cho biết thêm: “Với tình hình biến đổi khí hậu cùng những diễn biến khó lường như hiện nay dường như rất khó giải quyết vấn đề. Ngoài ra, phải kể đến tình trạng ký sinh trùng kháng thuốc cũng tăng cường mối đe dọa cho tình hình dịch bệnh hiện nay. Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều trường hợp mắc bệnh hơn thậm chí là tử vong do các bệnh như sốt xuất huyết và sốt rét trên khắp lục địa châu Âu. Chúng ta cần phải lường trước các đợt dịch bùng phát cũng như đưa ra các biện pháp can thiệp sớm để ngăn chặn dịch bệnh”.
Báo Sức khỏe và Đời sống