Chiều 25/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để triển khai thực hiện các kết luận nội dung phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, chuẩn bị tốt cho Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 28/8 tới và tiếp tục chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV bảo đảm chất lượng.
Trong 7 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án: Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi).
Bên cạnh đó, cho ý kiến về các nội dung gồm: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”; nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát đối với 3 chuyên đề giám sát khác của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cho ý kiến về dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 7/2023.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019/UBTVQH14 ngày 13/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân và Nghị quyết về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2023-2026.
Trước đó, trong phiên thảo luận chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là dự án luật lớn, có nhiều nội dung phức tạp, tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, chính sách an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô của quốc gia, liên quan đến nhiều luật, dự thảo luật đang trình Quốc hội xem xét.
Để tránh chồng chéo, xung đột, bảo đảm chất lượng và tiến độ chuẩn bị dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan xác định một số nguyên tắc làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật là: bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội về nhà ở đối với người dân, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.
Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương gắn với cơ chế tự chịu trách nhiệm; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở; thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; phòng, chống sơ hở, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng và phát triển nhà ở…