Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Báo cáo số 2112/BC-BHXH ngày 28/6/2024 gửi Bộ Tư pháp báo cáo kết quả rà soát, đánh giá và đề xuất các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
Mô hình 1 là phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức livestream qua mạng xã hội.
Với hình thức này, thông qua việc tương tác trực tiếp với người xem, cơ quan bảo hiểm xã hội có thể nắm bắt được tâm lý và mong muốn của người xem để từ đó nâng cao chất lượng phục vụ của ngành, kiến nghị, hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện; đồng thời có thể tận dụng được thế mạnh của mạng xã hội là sự chia sẻ, lan tỏa thông tin nhanh chóng, phổ biến rộng rãi nhất đến số đông đối tượng; qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân về các chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Mô hình 2 là phổ biến, giáo dục pháp luật bằng hình thức tổ chức nhóm nhỏ tuyên truyền trực tiếp.
Đây là hình thức triển khai linh hoạt, hiệu quả, sát dân, tiếp cận trực tiếp, tư vấn cụ thể theo hoàn cảnh, đặc điểm của từng người dân (tuổi đời, thời gian tiếp xúc, khả năng kinh tế).
Việc phổ biến chính sách pháp luật của nhóm với phương châm kiên trì, “mưa dầm thấm lâu, đi sâu, tư vấn sát” đã giúp người dân hiểu và tự giác tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; góp phần hiệu quả cho việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Mô hình 3 là cuộc thi tìm hiểu chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.
Đây là hình thức truyền thông mang lại hiệu quả cao, thông qua cuộc thi trực tuyến, đối tượng tham gia chủ động tìm hiểu các kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, góp phần nâng cao nhận thức cho lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện.
Thông qua việc thiết kế các câu hỏi của cuộc thi, cơ quan bảo hiểm xã hội nắm bắt được các ý kiến đóng góp, các suy nghĩ của đối tượng, từ đó có tham mưu cho các cấp có thẩm quyền đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ của ngành theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Mô hình 4 là mở chuyên mục “Mỗi ngày một câu hỏi chính sách” trên mạng xã hội.
Với mô hình này, cơ quan bảo hiểm xã hội có thể tận dụng được thế mạnh của mạng xã hội, thông qua đó cung cấp thông tin chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện ngắn gọn, dễ hiểu về các vấn đề người lao động, người sử dụng lao động chưa hiểu rõ; những vấn đề đang được dư luận quan tâm, những vấn đề cần định hướng dư luận.
Mô hình 5 là phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua “Tiểu phẩm truyền thông”.
Cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp Đài Truyền hình xây dựng thực hiện các tiểu phẩm truyền thông về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện…
Mô hình này khi phát sóng đã thu hút đông đảo, nhận được phản hồi tích cực từ người xem, không chỉ người dân trên địa bàn mà lan tỏa đến các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và hướng đến nhiều đối tượng như: học sinh, sinh viên, người lao động tự do, tài xế công nghệ, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, doanh nghiệp…
Mô hình 6 là phát thanh Chuyên mục Câu chuyện chính sách trong chương trình phát thanh “Giờ thứ 9” của Đài Phát thanh và truyền hình.
Mô hình này giúp bạn nghe đài tiếp cận được các thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ đó nâng cao nhận thức và tự giác tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giúp cho công tác tuyên truyền, thông tin, tư vấn… về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện đến được với nhiều người dân hơn với chi phí thấp nhất.
Mô hình 7 là “Chuyến xe An sinh” dưới hình thức trò chơi truyền hình với thành phần tham gia là người dân đã và chưa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình theo một hành trình định sẵn.
Trên chuyến xe tổ chức trò chơi bằng cách người dẫn chương trình đưa ra các câu hỏi liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình để người dân trả lời.
Việc tham gia “Chuyến xe an sinh” giúp người dân nâng cao nhận thức về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới. Qua đó thuyết phục, vận động nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, góp phần vào sự nghiệp an sinh xã hội; tạo ra cơ hội để gặp gỡ và trò chuyện với người dân về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đồng thời thúc đẩy ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bảo đảm cho tương lai và cuộc sống khi về già.
Các mô hình trên đã và đang được ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam áp dụng hiệu quả nhằm cung cấp các thông tin cần thiết về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện. Từ đó, góp phần làm thay đổi nhận thức pháp luật của nhân dân, người lao động, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ của ngành theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.