Những năm gần đây, thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng với tốc độ trung bình từ 25-35%/năm; quy mô thị trường năm 2023 ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25%, tương đương 4 tỷ USD so với năm 2022.
Kết quả này cho thấy thương mại điện tử đang phát triển nhanh, mạnh và đang tạo ra thói quen, sự thuận tiện trong mua sắm cho người tiêu dùng.
Thương mại điện tử giúp người bán tiếp cận khách hàng nhanh chóng, tiết kiệm chi phí so với kinh doanh truyền thống, nhưng lại mang đến cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm dễ dàng hơn, đa dạng sự lựa chọn phân khúc hàng hóa cả về chất lượng, giá cả. Song thực tế hiện nay, việc quản lý và xử lý vi phạm trên không gian mạng được cơ quan chức năng đánh giá là rất phức tạp do tính chất, loại hình kinh doanh kiểu mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong năm 2023, với lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đáng chú ý, hiện nay còn có tình trạng các đối tượng đăng thông tin hoặc livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho hàng ở các tỉnh, thành phố khác nhau hoặc bán hàng qua các trung gian để kiếm lời.
Với hàng cấm, các đối tượng không bán một sản phẩm mà chia nhỏ sản phẩm ra thành các bộ phận rồi giao dịch bằng cách thỏa thuận với nhau trên các nhóm kín, sau đó đưa bán trên các sàn thương mại điện tử để lợi dụng dịch vụ vận chuyển giao hàng. Một thủ đoạn khác là các đối tượng chỉ chạy 1 link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết.
Với tính chất phức tạp như trên, hoạt động mua bán trên không gian mạng gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác trinh sát, theo dõi và kiểm tra xử lý; ngoài các giải pháp kỹ thuật, cũng cần sự phối hợp của các lực lượng chức năng khác.
Do đó, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, thời gian tới, các lực lượng chức năng, nhất là Quản lý thị trường cần thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; phải đổi mới trong công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng khác nhằm ngăn chặn triệt để hàng giả, hàng nhập lậu trên không gian mạng; tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán; giám sát các mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Quan trọng hơn, phải xem việc ngăn chặn các vi phạm trên không gian mạng không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành công thương mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.
Các doanh nghiệp sản xuất phải nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, tăng cường giám sát, quản lý hệ thống, bám sát thị trường, phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm để phản ánh, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Các sàn thương mại điện tử cần nâng cao trách nhiệm trong việc sàng lọc, ngăn chặn các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, mạnh tay xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Các cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần phối hợp, thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng mua sắm online, nhằm đưa ra những cảnh báo, hướng dẫn người tiêu dùng phòng, tránh lừa đảo.
Có như vậy, mỗi người dân sẽ là những người tiêu dùng thông minh, có kiến thức tự bảo vệ mình, tránh “tiền mất tật mang” trong môi trường không gian mạng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử thời gian tới.