Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn huyện và xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, thời gian qua, huyện Bảo Thắng rất chú trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp. Nhờ đó, huyện đã vươn lên top đầu trong tỉnh về lĩnh vực cải cách hành chính.
Tính đến giữa tháng 12, bộ phận một cửa của xã Sơn Hà đã hoàn thành 1.102 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3 là 155 hồ sơ, mức độ 4 là 947 hồ sơ, đạt 100%. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 được UBND xã duy trì tại các bộ phận, đặc biệt với bộ phận một cửa giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân.
Ông Trần Vũ Thành, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà cho rằng, với việc lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả công việc, xã chỉ đạo kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và khắc phục những bất cập, hạn chế; chủ động ban hành sớm các kế hoạch cải cách hành chính ngay từ đầu năm, gắn với trách nhiệm triển khai tới các bộ phận, các cán bộ, công chức để thực hiện tốt chỉ tiêu đã đề ra. Kết quả thể hiện bằng việc thực hiện 8 nội dung chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) tại cấp xã đều đạt tốt. Mấu chốt là việc bên cạnh chỉ đạo thực hiện các nội dung, địa phương luôn phân công trực lãnh đạo để giải quyết kịp thời các thủ tục cho người dân.
Ngày 10/12, anh Nguyễn Văn Hưng, trú tại thị trấn Phố Lu đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của huyện Bảo Thắng làm thủ tục xin cấp dữ liệu đất đai. Sau khi lấy số, anh được công chức làm nhiệm vụ tại đây nhiệt tình hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cần thiết.
Theo xếp hạng chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) của huyện Bảo Thắng trong các năm thì năm 2021, 2022 huyện đều nằm trong top đầu toàn tỉnh; năm 2023 huyện tiếp tục phấn đấu giữ vị trí xếp hạng đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố về cải cách hành chính.
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết: Để giữ vững thành tích đạt được và đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch… huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường trách nhiệm trong triển khai kế hoạch cải cách hành chính. Có sự liên thông, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án số 14 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Gắn cải cách hành chính với cải cách tư pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số… Điều tiên quyết là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tiến độ, chỉ tiêu, mục tiêu của lĩnh vực phụ trách.
Tính đến đầu tháng 12, huyện Bảo Thắng đã tiếp nhận 21.106 hồ sơ thủ tục hành chính, giải quyết 20.343 hồ sơ, đạt 98,2%; việc gửi hồ sơ dưới dạng điện tử, chữ ký số, chứng thư số đạt 95%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 11.427 hồ sơ, đạt 80,61%; tổng giao dịch nghĩa vụ tài chính, biên lai điện tử 13.275 hồ sơ, đạt 86,78%.
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết thêm, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính từ huyện tới các xã, thị trấn, xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện, đồng thời quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại cho bộ phận một cửa từ huyện đến cơ sở; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để làm tốt hơn nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân.
Thời gian tới, xác định lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, Bảo Thắng đặc biệt quan tâm tới cải cách hành chính, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của huyện, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp.