Với vai trò là thiết chế văn hóa quan trọng, cung cấp không gian trải nghiệm giáo dục toàn diện, các bảo tàng đã đổi mới phương thức hoạt động, đưa các sản phẩm văn hóa đến gần hơn với công chúng. Nhiều nội dung giáo dục, trải nghiệm gắn với trưng bày, tọa đàm, vừa thu hút khách tham quan, vừa khuyến khích tinh thần học tập, thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và xây dựng tư duy độc lập.
Nằm ở phố Tràng Tiền, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một công trình kiến trúc đặc sắc của Thủ đô, nơi lưu giữ, bảo quản hơn 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam cùng các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… Hằng ngày, bảo tàng đón tiếp công chúng đến tham quan với mong muốn tìm hiểu về di sản, câu chuyện lịch sử, trong đó lượng khách tham quan là giới trẻ học đường chiếm từ 60-70%.
Chào mừng Ngày Quốc tế bảo tàng 18/5, với chủ đề Bảo tàng vì giáo dục và nghiên cứu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức chương trình tham quan trực tuyến “Cùng em khám phá bảo tàng” thu hút đông đảo các em học sinh trong cả nước độ tuổi từ 6-12.
Trong tháng 5, để chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, bảo tàng tổ chức chương trình giáo dục trải nghiệm “Ðiện Biên Phủ – Tinh thần bất diệt”, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đoàn học sinh đến từ các trường trên địa bàn thành phố. Dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Trường tiểu học Phương Ðình A (Ðan Phượng, Hà Nội) tổ chức chương trình Liên hoan chiến sĩ nhỏ Ðiện Biên, giao lưu nói chuyện chuyên đề Hào khí Ðiện Biên. Gần 500 học sinh hào hứng tham gia tìm hiểu về chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn kết hợp Bảo tàng Ðà Nẵng và Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Ðiện Biên Phủ tổ chức tour trực tuyến Hào khí Ðiện Biên cho hơn 500 học sinh Trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội.
Ðưa các hoạt động giáo dục, trải nghiệm vào các chương trình hoạt động của bảo tàng, từ đó thu hút công chúng, bà Lê Thị Liên, cán bộ phòng Giáo dục – Công chúng Bảo tàng Lịch sử quốc gia chia sẻ: Giáo dục là hoạt động thế mạnh của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hiện nay, bảo tàng xây dựng ba gói sản phẩm cung cấp cho từng đối tượng khách tham quan: Tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp cho nhóm gia đình, bố mẹ con cái cùng tham gia hoạt động tương tác, trải nghiệm; kết nối các đơn vị du lịch xây dựng chương trình dành cho nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa; chương trình hoạt động giáo dục mang tính chuyên ngành, chuyên sâu thông qua tổ chức các workshop, giao lưu, tọa đàm hướng đến đối tượng công chúng đặc thù.
Với khẩu hiệu Công chúng là đối tượng bảo tàng hướng tới, với lợi thế bảo tàng như cuốn cẩm nang sách giáo khoa lịch sử để học sinh các trường học đến tìm hiểu, là bước đệm cung cấp nền tảng kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, di sản dân tộc, các hoạt động giáo dục, trải nghiệm của bảo tàng luôn phải thu hút được công chúng, để lại ấn tượng và làm cho họ muốn quay lại bảo tàng.
Bảo tàng Hà Nội nằm trên đường Phạm Hùng với kiến trúc độc đáo, gần đây trở thành “toạ độ check in” được giới trẻ săn đón. Với lợi thế lưu giữ một kho tàng di sản hơn 73.000 tài liệu, hiện vật về lịch sử thủ đô, khuôn viên rộng rãi, bảo tàng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục thú vị gắn liền với di sản văn hóa phi vật thể, có sự tham gia trực tiếp giới thiệu, trình diễn của nghệ nhân… Tham quan trưng bày, được trải nghiệm, thực hành, du khách thêm hiểu về văn hóa dân tộc và các nghề thủ công truyền thống như: Trải nghiệm mặc cổ phục Việt Nam, tìm hiểu và tập nặn tò he, làm nón làng Chuông, cốm Mễ Trì, trải nghiệm làm gốm Bát Tràng, thưởng thức múa rối nước Ðào Thục, ca trù, thử viết thư pháp Việt. Trong đó, một sản phẩm giáo dục, trải nghiệm trở thành thương hiệu của Bảo tàng Hà Nội là Lễ hội Trung thu Rước trăng chơi phố, tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu nhi.
Bảo tàng Hà Nội còn là địa chỉ luôn đồng hành với người khuyết tật, dành nhiều chương trình giáo dục, trải nghiệm có sự tham gia của người khuyết tật. Triển lãm “Những mảnh vụn” do hợp tác xã Vụn Art phối hợp Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày, thu hút hàng nghìn lượt khách hàng tham quan, lan tỏa các giá trị tốt đẹp, nghị lực sống, vượt khó của những người yếu thế.
Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Ðặng Minh Vệ nhấn mạnh: Ðối tượng khách tham quan chính của Bảo tàng Hà Nội phần lớn là học sinh, sinh viên. Ðây là nhóm đối tượng trọng tâm của bảo tàng, vì vậy bảo tàng chú trọng xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp. Tính đến tháng 4/2024, bảo tàng đã đón 17.000 lượt khách tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm. Hoạt động trải nghiệm không chỉ giữ vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục, mà còn là hoạt động góp phần tạo nên thành công cho các cuộc trưng bày tại bảo tàng, đồng thời thu hút công chúng đến bảo tàng.
Xu hướng giáo dục ở các bảo tàng hiện nay ngày càng được chú trọng, mang đến nhiều trải nghiệm ý nghĩa cho công chúng tham quan. Việc phát triển, tổ chức các hoạt động giáo dục tại bảo tàng không chỉ góp phần đưa chương trình trải nghiệm di sản văn hóa Việt Nam đến gần hơn với công chúng, mà còn góp phần đưa bảo tàng thành điểm đến lý thú và bổ ích.