Từ ruộng bậc thang đến những phiên chợ tình, Sa Pa khiến du khách khắp nơi đến đây đều đắm chìm vào vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa độc đáo.
Thiên nhiên hoang sơ ở Sa Pa. Ảnh: Erika Na
Bài viết là những chia sẻ của Erika Na, một cây viết của Southern China Morning Post (Hong Kong, Trung Quốc) mới đăng tải đầu tháng 10.
Du khách đến miền bắc Việt Nam không chỉ ghé thăm Hà Nội, Hạ Long mà còn có thể đến với Sa Pa ở Lào Cai. Chính vì không dễ dàng tiếp cận, thị trấn du lịch giàu lịch sử văn hóa này lại càng trở nên đặc biệt.
Ruộng bậc thang ở Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Erika Na
Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, từ lâu Sa Pa là nơi các dân tộc thiểu số sinh sống, xây dựng những thửa ruộng bậc thang trên sườn đồi núi. Cộng đồng dân tộc đông nhất ở đây là người H’Mông.
Năm 1901, người Pháp phát hiện ra vẻ đẹp hoang sơ của Sa Pa và vùng đất dần có những thay đổi từ đó. Người Pháp mê mệt vì cảnh đẹp của ruộng bậc thang, đồi núi trập trùng và khí hậu mát mẻ quanh năm so với vùng đồng bằng sông Hồng nên họ đã đầu tư phát triển Sa Pa thành một điểm nghỉ dưỡng mùa hè. Năm 1905, tuyến tàu hỏa từ Hà Nội đến Lào Cai ra đời và khách du lịch bắt đầu đổ lên thị trấn vùng cao này.
Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, người Việt sống ở các thành phố lớn cũng đến Sa Pa nhiều hơn, dần dần Sa Pa nổi tiếng không chỉ với khách nội địa mà cả khách quốc tế, những người du lịch bụi từ khắp nơi cũng nghe tên.
Tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe từ năm 2014 đã rút ngắn thời gian di chuyển đến Sa Pa. Ngày nay, thị trấn sôi động hơn với rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở kinh doanh du lịch phục vụ khách quốc tế.
Chu, cô gái H’Mông làm hướng dẫn viên trong một tour trekking bản địa cho phóng viên báo SCMP. Ảnh: Erika Na
Một số bản làng dân tộc nằm gần trung tâm Sa Pa đã bị thương mại hóa nhưng Lao Chải, Tả Phìn… vẫn giữ được nét truyền thống đặc trưng.
Theo Chu, một cô gái H’Mông Đen làm hướng dẫn viên bản địa cho Erika Na, trâu là gia tài lớn của người dân vì nông nghiệp là nghề chính, chúng chỉ bị làm thịt khi quá ốm hoặc bị thương.
Tiếng nói và phong tục của người H’Mông vẫn được gìn giữ. Ngôn ngữ và phong tục tập quán bản địa vẫn được lưu truyền. Ví như người H’Mông Đen vẫn có tiếng nói riêng và mặc trang phục truyền thống: váy áo thêu dệt rực rỡ nổi bật.
Công nghệ phát triển, đặc biệt là internet và điện thoại thông minh phổ biến hơn, trở thành công cụ tiện lợi giúp người dân quảng bá du lịch Sa Pa. Người dân bản địa có thể giới thiệu dịch vụ homestay và tour đi bộ khám phá nhiều hơn tới du khách.
Sa Pa không chỉ là điểm đến hấp dẫn khách Tây balo mà còn thu hút cả dòng khách du lịch hạng sang đến nghỉ dưỡng. Trong số hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp xuất hiện ở thị trấn này, nổi bật có Hotel de la Coupole – MGallery nằm ngay trung tâm. Khách sạn cao cấp này mang đậm phong cách châu Âu nhưng vẫn có các thiết kế kết hợp yếu tố văn hóa vùng cao, sử dụng vật liệu, họa tiết bản địa.
Khách sạn nằm cạnh ga cáp treo và ga tàu đưa khách lên đỉnh Fansipan cao nhất khu vực Đông Dương. Ngoài cáp treo, khách có thể chọn đi bộ leo núi Fansipan trong các tour 2 ngày 1 đêm hoặc kết hợp cáp treo và đi bộ.
Khung cảnh thung lũng Mường Hoa nhìn từ cáp treo lên đỉnh Fansipan. Ảnh: Erika Na
Trên đường lên núi, du khách được ngắm nhìn trọn vẹn khung cảnh thung lũng bên dưới trải dài là những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Càng lên cao, càng có nhiều điều để khám phá, ví như những ngôi chùa, tượng Phật khổng lồ, vườn hoa cây cảnh, rừng, suối, thác nước…
Ở Sa Pa cuối tuần, phiên chợ tình sẽ diễn ra vào các ngày thứ 7. Những giai điệu dân tộc, các trò chơi dân gian thu hút đông dân địa phương và du khách đến tham gia. Phiên chợ cũng là dịp để người dân nơi đây giao lưu văn hóa, gặp gỡ, tìm hiểu, tìm kiếm bạn đời.
Đan Thanh
Nguồn:https://dulich.laodong.vn/kham-pha/bao-nuoc-ngoai-khen-ngoi-canh-dep-va-van-hoa-sa-pa-1403712.html