Bánh chưng
Hình ảnh chiếc bánh chưng bên trong có gạo, thịt lợn, đỗ xanh tượng trưng cho đất là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc. Món bánh truyền thống này chứa đựng những ước mong về cuộc sống sung túc, no đủ của dân gian trong dịp đầu năm mới.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc.
Bánh đậu xanh
Từ lâu, bánh đậu xanh đã được coi là đặc sản nức tiếng của Hải Dương. Tuy có những nguyên liệu vô cùng đơn giản như đậu xanh, đường… nhưng vị ngọt bùi của bánh vẫn vô cùng hấp dẫn và được trẻ nhỏ lẫn người lớn yêu thích. Bánh đậu xanh thường được ăn vào dịp Tết vì nhiều người cho rằng màu vàng của bánh tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc. Đây còn là quà tặng quý vào dịp Tết khi bánh đậu xanh được đựng trong hộp vàng hình cá chép, đồng tiền, long phụng sum vầy…
Bánh đậu xanh thường được dùng kèm với trà nóng để cân bằng vị.
Bánh tổ
Được du nhập từ ẩm thực Trung Quốc, theo thời gian bánh tổ trở thành đặc sản không thể thiếu của người dân Quảng Nam vào dịp Tết Nguyên đán. Bánh được làm từ những nguyên liệu vô cùng gần gũi như gạo nếp, đậu đỏ, đường và có thể bảo quản được khá lâu. Theo quan niệm dân gian, bánh tổ dẻo ngọt đại diện cho những điều may mắn dịp đầu năm mới.
Bánh tổ là đặc sản của người Quảng Nam vào dịp Tết nguyên đán.
Bánh ít lá gai
Bánh ít lá gai là món bánh truyền thống của người Bình Định vào dịp đầu năm hay khi cưới hỏi. Lớp vỏ bánh dẻo thơm được làm từ gạo nếp, phần nhân bên trong là đậu xanh hoặc dừa ngào béo thơm. Khi ăn, bánh có vị dai giòn gần giống như bánh da lợn.
Bánh ít lá gai có phần nhân đậu xanh, dừa ngào béo bùi.
Bánh tét
Nếu ở miền Bắc có bánh chưng thì ở miền Trung và miền Nam, bánh tét lại là món không thể thiếu khi đón năm mới. Bánh tét có dáng trụ dài, được gói trong lá chuối. Bánh có nhân mặn (đậu xanh thịt mỡ) và ngọt (nhân chuối). Bánh mang ý nghĩa sum vầy, mong cầu được ấm no, làm ăn thuận lợi của con người miền Nam chất phác.
Bánh tét có hai loại nhân mặn và ngọt.