Trong cuộc đua định vị thương hiệu nông sản trên thị trường, các địa phương, nhất là ở vùng Tây Bắc – nơi có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất, ẩm thực tương đối giống nhau đều có những sản phẩm tương đồng. Vì lẽ đó, ngoài yếu tố về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, uy tín của cơ sở sản xuất, thì việc tìm ra sự khác biệt của sản phẩm trong sự tương đồng để bán cho khách là câu chuyện đáng quan tâm.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn Lào Cai, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm OCOP. Đó là con số ấn tượng, phản ánh sự đa dạng, phong phú của nông sản Lào Cai. Sản phẩm OCOP của Lào Cai có mặt tương đối đầy đủ, từ chè, rượu, gạo, cá, thịt đến tương ớt, tinh dầu… Càng tự hào hơn khi có tới 98% sản phẩm OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử.
Đưa ra những thông số vô cùng ấn tượng như vậy để thấy được người dân, các cơ sở sản xuất, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã nhận thức rất rõ về vai trò của sản phẩm OCOP đặt trong mối tương quan thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không khỏi giật mình, khi có không ít sản phẩm OCOP đến thời gian đánh giá lại thì không đáp ứng yêu cầu, phải thu hồi chứng nhận. Vậy đâu là nguyên nhân?
Trước hết, cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, do áp lực về tiêu chí cứng trong nông thôn mới nâng cao nên có những địa phương “chạy đua” để có được sản phẩm OCOP dù sản phẩm đó không có ưu thế, không mang tính đặc trưng, đặc thù.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương, còn thời hạn, thành thử các địa phương đều cố gắng để có được sản phẩm OCOP.
Khi có sản phẩm được công nhận, không ít chủ thể thỏa mãn bởi đạt được mục tiêu đề ra, thiếu sự quan tâm đầu tư, khiến không ít sản phẩm OCOP suy giảm về mặt chất lượng, số lượng, thậm chí nhiều sản phẩm OCOP ở các địa phương trong tỉnh “na ná” nhau, như mật ong, cá hồi, chè, tương ớt, thịt lợn sấy, thị trâu sấy… dẫn đến sức cạnh tranh không cao, sản phẩm không phát triển được.
Đấy là trong tỉnh, chưa kể nhìn rộng ra cả vùng Tây Bắc – nơi có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất, ẩm thực tương đối giống nhau. Dù không có thống kê cụ thể, nhưng không khó để nhận thấy, nhiều sản phẩm mà Lào Cai có thì một số tỉnh như Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên cũng có, như cá hồi, tinh dầu quế, tinh dầu sả, chè Shan, chè Ô long, thịt lợn sấy, thịt trâu sấy. Việc này khó tránh khỏi bởi xuất phát điểm của các tỉnh có sự tương đồng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây chính là sự cạnh tranh để sản phẩm của địa phương đứng vững trên thị trường. Chưa có khảo sát chính thức nào để thấy được sản lượng sản phẩm OCOP của tỉnh tiêu thụ, mà chỉ thông qua sự thống kê mang tính “ước lượng, khoảng, trên dưới” của các chủ thể, cơ sở sản xuất.
Cũng chưa có sự so sánh, đánh giá các sản phẩm OCOP “na ná” giữa các địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong vùng Tây Bắc để có cái nhìn chính xác khả năng tiêu thụ, niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm mà mình đang có, từ đó định hình hướng đi cho sản phẩm.
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn từ OCOP
Nói như vậy, không phải đổ lỗi các địa phương không có tầm nhìn, thiếu sự khảo sát thị trường, khách hàng khi xây dựng các sản phẩm OCOP. Các địa phương đều cố gắng tìm được sản phẩm ưu thế, đặc trưng dẫu rằng địa phương đi trước đã có. Thôi thì, chấp nhận sự “na ná” nhưng không vì thế mà bỏ mặc sản phẩm, bởi một suy nghĩ đơn thuần, mỗi sản phẩm khi được công nhận OCOP đến lúc đánh giá, công nhận lại cũng “sống” được 3 năm. Thay vì như vậy, hãy tìm sự khác biệt trong tương đồng, hãy bán sự khác biệt của sản phẩm đến khách hàng.
Qua phương tiện thông tin đại chúng, được biết, trong một lần chia sẻ những định hướng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Lê Minh Hoan nâng chiếc hộp sơn mài màu đen bên trong có 4 hũ được làm bằng thiếc đựng “tứ đại danh trà”, gồm bạch trà, diệp trà, hoàng trà và hồng trà (sản xuất từ chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh núi Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái). Kèm theo đó là cuốn sách giới thiệu về từng loại trà bằng cả tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt, mở đầu là 4 câu: “Chót vót trên cao đỉnh Suối Giàng/Một vùng rộng lớn giống chè Shan/Cây to tán rộng vươn trong gió/Cành lớn búp non nổi tiếng vang”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: “Quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp đều nằm ở đây. Điều này rất đơn giản chứ không có gì phức tạp”. Từ một cây chè cổ thụ mọc ở Suối Giàng có thể làm ra 4 loại trà quý khác nhau. Và chủ thể của sản phẩm này không chỉ bán hàng (là những búp chè khô) mà bán cả một câu chuyện. Tư duy kinh tế chính là bán sự khác biệt.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, ngày nay, người ta không mua sản phẩm nữa mà mua cách tạo ra sản phẩm đó, gồm tâm thế, văn hóa, câu chuyện, cảm xúc trong quá trình tạo ra sản phẩm. Thế nên, ai kể được câu chuyện giàu cảm xúc nhất qua sản phẩm thì người đó sẽ thắng.
Từ chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về “tứ đại danh trà” của Yên Bái cho thấy, ở mỗi vùng, mỗi địa phương có những sản phẩm giống nhau, nhưng lại có những câu chuyện rất riêng gắn với văn hóa, lịch sử. Do vậy, khi chúng ta không thể tìm được sản phẩm riêng thì chúng ta phải biết cách kể chuyện qua sản phẩm. Đó chính là bán sự khác biệt.