Khi tiết thu se lạnh, những ruộng lúa nếp bắt đầu chắc hạt, người dân xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) háo hức bước vào vụ cốm mới. Những hạt cốm màu xanh ngọc, dẻo thơm càng cuốn hút du khách đến với vùng đất này.
Mỗi khi chuẩn bị vào mùa thu hoạch lúa mùa, người Tày ở xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa) lại nô nức vào vụ làm cốm.
Vụ làm cốm kéo dài từ tháng 8 đến hết tháng 9 âm lịch. Hằng năm, người dân thường tổ chức lễ hội làm cốm để kính dâng tổ tiên và cầu chúc một năm mùa màng bội thu. Cốm có ở nhiều nơi, nhưng ở Bản Hồ lại mang hương vị rất đặc biệt. Bây giờ người Bản Hồ làm cốm bán ra thị trường để tăng thu nhập.
Gia đình chị Sần Thị Hà, dân tộc Tày (thôn La Ve, xã Bản Hồ) có truyền thống làm cốm. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được các cụ truyền nghề làm cốm thủ công.
Chị Sần Thị Hà cho biết: Lúa làm cốm là giống lúa bản địa, do trồng trên địa hình cao và khí hậu phù hợp nên cốm Bản Hồ có hương vị riêng. Cốm Bản Hồ dẻo, ngọt nhẹ, màu xanh ngọc bắt mắt, lại có thể chế biến được nhiều món ngon như chè, xôi, bánh cốm. Gia đình làm cốm thủ công ngon có tiếng nên được thực khách từ Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội, Đà Nẵng ưa chuộng và mua về làm quà. Trung bình cứ 10 kg lúa nếp sẽ làm được 3 kg cốm. Giá cốm dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Sau mỗi vụ cốm, gia đình chị có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.
Giờ đây, cốm không chỉ là hương vị của ẩm thực mà đã “thẩm” vào đời sống của người Tày Bản Hồ. Quy trình làm cốm trải qua nhiều bước, cần sự tỉ mẩn, khéo léo của người làm. Vào mùa làm cốm, người dân dậy từ sớm để gặt những bông lúa nếp vừa chắc hạt, sau đó đem về tuốt lấy những hạt phổng phao nhất đem đi rang cho chín tới. Khi rang thóc làm cốm phải đảo thóc nhanh tay cho hạt chín đều. Đặc biệt, chảo rang cốm nhất định phải là chảo gang đúc và phải đun bằng bếp củi. Khi thóc nếp được rang chín, người làm cốm cho vào cối đá hoặc cối gỗ rừng giã cốm thủ công, 2 người liên tục giã cốm và 1 người đảo. Khi các hạt thóc đã bong vỏ thì cho ra xảy, mỗi mẻ phải qua 2 – 3 lượt giã mới sạch vỏ thóc.
Theo ông Lý Láo Tả, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ, truyền thống làm cốm được đồng bào Tày địa phương giữ gìn và phát triển. Một số hộ phát triển du lịch homestay gắn với nghề làm cốm để thu hút khách đến trải nghiệm, khám phá.