“Ở địa bàn đồn quản lý có một bản người dân tộc Mông không uống rượu, không sử dụng ma túy, không có trộm cắp… Dân bản chú tâm làm du lịch, mùa Hè khách dưới Hà Nội và các nơi lên tham quan nườm nượp” – Trung tá Trần Văn San, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, BĐBP Lai Châu “nhá hàng” với tôi lúc gặp ở thành phố.
Du lịch trở thành nguồn thu nhập chính
Trong tiết trời lạnh giá, tôi vẫn mượn chiếc xe máy quyết tâm đến bằng được xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Gặp lại Trung tá San, tôi đề nghị: “Anh cử giúp một cán bộ đưa tôi đến bản người dân tộc Mông không uống rượu, không sử dụng ma túy… ngay sáng hôm nay luôn, tôi chưa gặp bản nào như thế này bao giờ”.
Xe vừa đến đầu bản Sin Suối Hồ, tôi thấy ngạc nhiên, đường sá, nhà cửa rất sạch. Dừng xe ở “chợ du lịch” quan sát, thấy những gian hàng san sát bán quần áo thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông mà không có ai đứng ra trông coi.
Ông Hảng A Xà, sinh năm 1975, Chủ tịch Hợp tác xã du lịch Sin Suối Hồ, người có uy tín của xã Sin Suối Hồ giới thiệu: “Cái áo này trị giá 550.000 đồng, túi nhỏ kia 250.000 đồng… Nếu khách thuê chụp ảnh lưu niệm thì giá rẻ. Hàng hóa để cả ngày, cả đêm ở chợ, không có cửa khóa, không cần bảo vệ, không có mất trộm, kể cả khi có mấy trăm khách du lịch ngủ lại qua đêm trong bản cũng chẳng vấn đề gì”.
– Nghe anh em Biên phòng nói, bản này thu hút khách du lịch đến tham quan rất đông, sao tôi chỉ thấy được một đoàn du lịch vừa mới đi qua? – tôi hỏi.
– Dịp Hè năm 2023, khách đến bản Sin Suối Hồ từ 600-1.000 người/ngày, dịp lễ 30/4, 2/9 có khoảng 500 người lưu trú qua đêm tại bản. Khách nước ngoài thì họ đến đây trải nghiệm quanh năm.
– Khách đến đông sẽ có nhiều vấn đề phát sinh ở trong bản, có công ty nào đứng ra điều hành du lịch tại bản mình?
– Người dân cả bản Sin Suối Hồ đã thành nền nếp, kỹ năng phục vụ khách chuyên nghiệp, không cần đến công ty nào. Khách đến đây tìm hiểu nét văn hóa, phong tục người dân tộc Mông, thì chính người dân bản địa đứng ra giới thiệu, phục vụ khách, khi đó khách mới cảm nhận được nét đặc trưng của du lịch vùng cao biên giới.
“Ông Hảng A Xà nói gì, bà con trong bản cũng nghe theo, bởi vì ông là người có uy tín cao trong bản. Công lao và trí tuệ của ông Xà đóng góp vào bản Sin Suối Hồ rất lớn, tạo nên khu du lịch nổi tiếng ở vùng biên giới Lai Châu. Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ vinh dự nhận được Giải thưởng Du lịch ASEAN 2023. Ông Xà đã thay mặt bà con dân bản đi ra nước ngoài nhận giải thưởng” – ông Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sin Suối Hồ vui mừng thông báo.
Được biết, bản Sin Suối Hồ có 148 hộ, hơn 700 nhân khẩu, được chính quyền địa phương định hướng xây dựng thành bản du lịch cộng đồng, nên tất cả các ngôi nhà của bản đều có phòng ở đón khách lưu trú qua đêm. Ông Hảng A Xà người có uy tín và trình độ tổ chức được chính quyền xã tín nhiệm giao nhiệm vụ đứng ra kết nối người dân trong bản lại thành lập hợp tác xã du lịch, trực tiếp hướng dẫn, điều hành mọi hoạt động du lịch của bản Sin Suối Hồ. Nằm ở độ cao 1.500m so với mực nước biển, cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ có sức hút lớn đối với du khách và du lịch trở thành nguồn thu nhập chính của người dân bản.
“Nhu cầu khách đến ở ngày càng lớn, năm ngoái đã làm thêm mấy dãy nhà, kết hợp làm nhà hàng. Năm 2023, hợp tác xã đầu tư xây dựng thêm nhiều khu nhà ở theo văn hóa dân tộc Mông, phải làm xong sớm để đón khách dịp Tết Nguyên đán năm 2024” – ông Xà vừa nói, vừa chỉ những khu nhà đang xây dựng. Hợp tác xã đã tổ chức cho bà con làm du lịch “trọn gói”, lập ra những đội nấu ăn theo khách châu Á, châu Âu, đội lái xe, hướng dẫn leo núi, đội văn nghệ và tổ phụ nữ dệt may các sản phẩm truyền thống của dân tộc Mông để bán hàng lưu niệm cho khách.
Chinh phục trái tim người trong bản
Chúng tôi tìm hiểu câu chuyện quá khứ của bản Sin Suối Hồ, trước năm 1995, hầu hết các hộ trong bản đều có người nghiện ma túy, đất sản xuất của bản trở thành nơi trồng cây thuốc phiện (anh túc). Ông Xà tâm sự: “Đêm nằm suy nghĩ, chẳng lẽ dân bản mình đã đi vào đường cụt hay sao, nhà ai cũng có người nghiện ma túy nằm vật vờ, có gia đình 12 người đều nghiện hết. Tôi đến bàn với anh Vàng A Chỉnh (hiện nay là trưởng bản) và người bạn đồng niên (sinh năm 1975) Vàng A Thứ về kế hoạch cai nghiện ma túy cho cả bản”.
Cả ba người trẻ tuổi tiên phong đến từng nhà để vận động đưa người đi cai nghiện ma túy, nhiều người bảo: “Không làm được đâu. Khó lắm”. Những bạn trẻ quyết tâm vào rừng làm những cái lán nhỏ để đưa bà con vào rừng tự cai nghiện, mặt khác đi cắt, nhổ bỏ sạch cây thuốc phiện trồng ở bản. Lúc đầu chỉ cai nghiện 3-5 người/đợt, về sau có kinh nghiệm và nhờ sự giúp đỡ của chính quyền xã, Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, số người đưa vào rừng cai nghiện tăng lên 15-20 người/đợt.
“Giai đoạn đầu, người phản đối nhiều hơn người đồng ý, nhóm nòng cốt chúng tôi quyết tâm làm, dần dần chinh phục được trái tim của họ bằng những việc làm như người thân trong nhà. Người cai trước thành công kèm cho người mới cai sau, làm ròng rã 10 năm mới “quét sạch” ma túy ở bản Sin Suối Hồ” – ông Xá phấn khởi cho biết.
Nhóm cốt cán bắt đầu đi tiên phong và vận động bà con trong bản bỏ uống rượu say sưa, thực hiện tư duy kinh tế mới, kỹ năng sống, không tảo hôn, không ỷ lại… Lập ra những nhóm nhỏ sinh hoạt với nhau, chẳng hạn làm chuồng nhốt lợn, gà để đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng…
Năm 2010, ông Xà đã đi các nơi quan sát, học tập làm du lịch cộng đồng, đưa mô hình về bản Sin Suối Hồ áp dụng. Giai đoạn đầu cũng gặp muôn vàn khó khăn trở ngại, ông Xà quyết tâm làm cho đến ngày thành công. Để có bản sắc riêng của dân tộc mình, ông Xà tự nghiên cứu, vận dụng thực tiễn để phát triển du lịch quy mô lớn mang tính chuyên nghiệp cao. Từ ngày du lịch phát triển, nhà ai cũng có đồng vào, đồng ra. Nhiều hộ đã trở nên khá giả, mở rộng cơ sở lưu trú đón khách du lịch ở qua đêm.
Ông Sùng A Phông, dân tộc Mông, bản Sin Suối Hồ chia sẻ: “Tôi nghe lời anh Xà giải thích về tầm nhìn trong làm du lịch, cần đầu tư làm hồ nuôi cá nước lạnh, vừa tăng thu nhập, vừa có cá phục vụ khách tại chỗ. Tôi đã đầu tư mấy trăm triệu đồng xây bể nuôi cá hồi, cá tầm, năm ngoái lãi 250 triệu đồng. Hiện nay, còn 2.000 con cá tầm thịt đến Tết năm 2024 sẽ bán đạt khoảng 400 triệu đồng”.