CTTĐT- Chiều 15/1/2025, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 9, đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính năm 2024; bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới các tỉnh, thành trên cả nước.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Tham dự họp tại điểm cầu UBND tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2024, CCHC được xác định là một trong những trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, xác định trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, công chức, công vụ và TTHC; tập trung xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Thực hiện vai trò cơ quan thường trực CCHC của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác CCHC. Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tiếp nhận 144 đề xuất, kiến nghị của các bộ, các tỉnh, trên cơ sở đó đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, trả lời, giải đáp, tháo gỡ 144/144 đề xuất, kiến nghị, đạt tỉ lệ 100%. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền CCHC; đã thực hiện hơn 34.000 phóng sự, tin bài chuyên đề; tổ chức hơn 100 hội nghị, tọa đàm và 28 cuộc thi tìm hiểu về CCHC.
Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, cải cách chính sách tiền lương tiếp tục có chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Cụ thể, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đến nay, đã giảm 13 Sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương. Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).
Bên cạnh đó, công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt.
Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong CCHC, đề ra giải pháp khắc phục, trong tổ chức triển khai thực hiện; đặc biệt là về giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong cải cách thể chế, tháo gỡ những nút thắt đang gây lực cản cho tăng trưởng; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển….
Tại tỉnh Lào Cai, thời gian qua tỉnh Lào Cai luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh CCHC, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số; xác định CCHC là nhiệm vụ đột phá chiến lược để lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương; CCHC là nguồn lực, động lực phát triển, được đánh giá thường xuyên trong các phiên họp thường kỳ UBND tỉnh hàng tháng.
Để tinh gọn các Ban Chỉ đạo, Tỉnh ủy Lào Cai đã thành lập Ban Chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 tỉnh Lào Cai (trên cơ sở hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo: Ban Chỉ đạo CCHC; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06), Ban Chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Công tác CCHC được triển khai đồng bộ, toàn diện với 6 nội dung (cải cách thể chế; cải cách TTHC; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số) và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hện thống văn bản QPPL của tỉnh được quan tâm, đánh giá thường xuyên hàng tháng, nhằm tạo cơ sở pháp lý khơi thông các điểm nghẽn, nguồn lực, tạo động lực phát triển. Dịch vụ công trực tuyến được mở rộng và đẩy mạnh thực hiện (tỷ lệ cung cấp trực tuyến đạt 90,2% tổng số TTHC); tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt trên 80%; 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng DVC quốc gia; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt gần 75%. Công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC được tỉnh quan tâm, chú trọng: Tỉnh chủ động thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết TTHC so với quy định của Trung ương đối với 50% tổng số TTHC. Năm 2024 có gần 50.000 lượt hồ sơ thực hiện cắt giảm thời gian, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp được hơn 51 tỷ đồng…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai công tác CCHC với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương ần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về CCHC để tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhất là triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đây là Nghị quyết rất quan trọng với tư duy mới, tầm nhìn mới, mang tính đột phá. Đồng thời tiếp tục tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế; cắt giảm, đơn giản hóa TTHC để tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông các động lực cho phát triển. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của cải cách trên cơ sở bám sát các quy định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và điều kiện thực tiễn của địa phương.
Tập trung tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18, quyết liệt rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy cơ quan nhà nước gắn liền với công tác bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ, nâng cao ý thức, thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan, địa phương, phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành.