Ấn tượng về mảnh đất Bắc Sơn cũng như di tích lịch sử rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn đong đầy cảm xúc trong lòng những người làm báo từ tỉnh biên giới Lào Cai đến với nơi này thì chúng tôi lại tiếp tục lên đường hành trình tới Điện Biên Phủ. Điều đặc biệt trên hành trình ấy, vùng đất Sơn La giàu truyền thống cách mạng và các di tích lịch sử khiến chúng tôi phải dừng chân tại nhiều điểm để ghi lại bao câu chuyện xúc động về cuộc chiến đấu anh dũng chống thực dân Pháp của quân và dân ta cách đây hơn 70 năm.
Từ huyện Bắc Sơn, Đoàn công tác vượt qua một cung đèo lịch sử gắn liền với những năm tháng không thể nào quên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 nói riêng. Tuy không hùng vĩ, hiểm trở như “Tứ đại đỉnh đèo” của Tây Bắc (Mã Pì Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Đin), đèo Chẹn kéo dài từ xã Mường Khoa, xã Hua Nhàn (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đến khu ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn) dài 20 km, có đỉnh đèo ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển.
Đèo Chẹn có độ dốc khá cao, quanh co men theo vách núi, một bên là vực sâu, không có đường tránh. Anh lái xe của Báo Lào Cai nhiều năm kinh nghiệm vượt qua các cung đường đèo dốc mà nhiều đoạn cũng phải mím môi, tập trung cao độ, xe thường xuyên cài số 1, số 2 mà ì ạch bò lên đỉnh đèo.
Điều đáng nói, trên cung đèo được coi như “yết hầu” và “huyết mạch” đến với Điện Biên Phủ này, cách đây hơn 70 năm, thực dân Pháp đã đánh phá ác liệt nhằm hủy diệt tuyến đường, không cho bộ đội ta hành quân và vận chuyển quân lương từ tỉnh Yên Bái sang tỉnh Điện Biên.
Nhà báo Khải Hoàn, phóng viên Báo Sơn La chia sẻ câu chuyện với tôi rằng trong khi thực hiện phóng sự về con đèo lịch sử này anh đã có dịp trò chuyện với cụ Lò Thị Sồn, người bản Chẹn, xã Mường Khoa. Cụ Sồn bảo, đầu năm 1953 thực dân Pháp dùng bom đánh phá đèo Chẹn rất ác liệt. Để tuyến đường được thông suốt giúp vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội ở chiến trường Điện Biên Phủ, sau những lần máy bay Pháp ném bom, cụ cùng với hàng trăm bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến tranh thủ ban đêm san lấp hố bom, mở rộng đường.
Có đoạn đường hôm trước vừa “vá” xong, hôm sau máy bay giặc đã dội hàng chục tấn bom xuống, để lại những hố sâu, ngổn ngang đất đá. Công việc xuyên đêm sửa đường, phá bom kéo dài gần 1 năm, với bao hy sinh, vất vả. Cũng chính nhờ sự hy sinh mồ hôi, xương máu của bao dân công, bộ đội từ khắp các tỉnh, thành mà đường đến Điện Biên Phủ được thông suốt, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ngày 27/10/2020, đèo Chẹn được Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Vượt qua đỉnh đèo Chẹn, xuống dưới chân đèo chúng tôi sang địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Khu vực ngã 3 Cò Nòi cũng là điểm kết nối của Quốc lộ 37 với Quốc lộ 6 (trước đây là đường số 41) đi qua đèo Pha Đin (huyện Thuận Châu) để sang thành phố Điện Biên Phủ. Dừng chân ở ngã ba Cò Nòi, trong lòng ai cũng trào dâng cảm xúc khi lắng nghe câu chuyện về sự chiến đấu kiên cường, bất khuất của các thanh niên xung phong tại “tọa độ lửa” này.
Văn bia ghi công các anh hùng liệt sĩ tại ngã ba Cò Nòi ghi rõ: “Ngã ba Cò Nòi giữ vị trí chiến lược rất quan trọng, là một cửa ải tất cả những người ra trận phải vượt qua. Thực dân Pháp xác định ngăn chặn và cắt đứt đường vận chuyển quan trọng nhất tại ngã ba Cò Nòi sẽ tác động quyết định đến thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Vì vậy, chúng đã huy động tối đa tiềm lực không quân, sử dụng các loại bom có sức hủy diệt lớn để đánh phá trọng điểm này hòng chặt đứt con đường chi viện của hậu phương cho chiến trường”.
Tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, của Bác Hồ đã tiếp thêm sức mạnh, thôi thúc lực lượng thanh niên xung phong thuộc các đơn vị C293, C300 Đội 34 và C403, C406, C408 Đội 40 anh dũng, kiên cường chiến đấu với máy bay địch, sáng tạo san lấp hố bom, tháo gỡ bom mìn nổ chậm với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Nhờ đó, “mạch máu” giao thông vận tải luôn được thông suốt, đảm bảo chi viện cho chiến trường, góp phần quan trọng vào Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trong cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt đó, hàng ngàn người mất đi một phần của cơ thể, suy kiệt sức lực, nhiều người con của dân tộc đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi.
Tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của lực lượng thanh niên xung phong, năm 2002, tỉnh Sơn La đã xây dựng Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong tại ngã ba Cò Nòi. Năm 2002, di tích được xếp hạng Quốc gia.
Giữa trưa, nắng như đổ lửa xuống ngã ba Cò Nòi lịch sử. Đoàn công tác Báo Lào Cai thành kính thắp nén hương thơm tưởng nhớ anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này. Chúng tôi không thể kìm nén được niềm xúc động, bởi cách đây hơn 70 năm, hàng ngàn con người đã nguyện lấy máu mình để viết nên bản anh hùng ca về tinh thần dũng cảm và tình yêu Tổ quốc. Chính sự hy sinh ấy đã lan tỏa tinh thần đấu tranh cách mạng cho các thế hệ sau trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Sau 70 năm kể từ Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, vùng đất đèo Chẹn của ngày hôm nay đã khoác trên mình màu áo mới. Cung đèo lịch sử nay là Quốc lộ 6 được sửa sang, nâng cấp, trải nhựa đẹp như tấm lụa uốn mình giữa non cao.
Điều đáng nói là đi qua những xã vùng cao như Yên Châu, Mường Khoa, Hua Nhàn (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đến Cò Nòi (huyện Mai Sơn) đều là một màu xanh của cây trái trù phú. Vùng đất Yên Châu, Hua Nhàn xưa kia vô cùng nghèo khó nhưng giờ những hộ người Mông đã biết trồng mía, dâu tây để nâng cao thu nhập. Giữa vùng đất dốc khô cằn, sỏi đá nơi lưng đèo, màu xanh cứ lan rộng trong sự ngạc nhiên của chúng tôi.
Buổi trưa nắng gắt, chúng tôi dừng xe bên đường vì thấy bà con bày bán những quả dâu tây căng mọng. Dù là dâu cuối vụ, quả nhỏ nhưng quả nào cũng ngọt mát, ăn vào cảm nhận rõ vị thơm ngon, tan luôn cái nóng, cái khát sau chặng đường dài.
Anh Sùng A Chống, người Mông ở bản Kéo Bó, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu hồ hởi khoe dâu tây do gia đình trồng năm nay được mùa, đem lại nguồn thu hàng chục triệu đồng. So với trồng ngô, trồng lúa, thì trồng dâu tây hiệu quả kinh tế cao hơn, giúp bà con nhanh thoát nghèo.
Sang đến ngã ba Cò Nòi thì chao ôi là một vùng nông nghiệp xanh mướt, chủ yếu là dâu tây, na, chanh leo. Thật ngỡ ngàng khi đồng bào người Thái nơi đây giờ đã nắm được kỹ thuật trồng nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt là trồng dâu tây cứ như trồng rau muống, bán khắp ngã ba Cò Nòi. Từ xã “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cò Nòi vươn lên trở thành xã “Anh hùng lao động” trong thời kỳ đổi mới.
Anh bạn tôi làm giáo viên một trường THCS ở thị trấn Hát Lót bảo, không chỉ ở Cò Nòi mà ở nhiều xã khác đời sống bà con cũng đổi thay nhiều. Từ một huyện miền núi biên giới nghèo nàn, lạc hậu, Mai Sơn đã vượt lên phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; diện mạo một huyện trọng điểm kinh tế đã được định hình ngày càng rõ nét phát triển. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, gắn liền với tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị. Hiệu quả từ việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã mang đến cho “bức tranh” nông nghiệp của huyện Mai Sơn những gam màu rực rỡ, “tươi sáng” hơn.
Theo ông Ngô Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, toàn huyện hiện có trên 7.100 ha cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, thực hiện quy trình VietGAP. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho thu nhập trên 300 triệu/ha/năm, như: trồng na, dâu tây, chanh leo…. Mai Sơn còn có 19.032 ha cây công nghiệp, gồm: cà phê, mía, sắn, cao su, chè… phục vụ cho 5 nhà máy chế biến trên địa bàn; 1,5 triệu con gia súc, gia cầm, trong đó đàn lợn đứng đầu toàn tỉnh với 98.500 con; 20 sản phẩm nông sản được công nhận sản phẩm OCOP.
Đến nay, huyện Mai Sơn có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đứng đầu toàn tỉnh Sơn La (trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, quân và dân ta đã viết lên bản anh hùng ca trên đèo Chẹn và ngã ba Cò Nòi. Riêng huyện Mai Sơn có 3 đơn vị và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mai Sơn tiếp tục nỗ lực viết lên bản anh hùng ca về xây dựng nông thôn mới. Cùng với tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện chú trọng phát huy giá trị lịch sử Di tích lịch sử ngã 3 Cò Nòi gắn với phát triển du lịch.
Đặc biệt, huyện Mai Sơn xây dựng phương án kết nối di tích với tuyến du lịch “Tuyến đường vận chuyển cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”, từ đèo Lũng Lô – rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Phù Yên) – bến phà Tạ Khoa – đèo Chẹn (Bắc Yên) – ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) – đèo Phạ Đin (Thuận Châu) – Điện Biên Phủ. Tuyến đường chiến lược trong kháng chiến chống Pháp năm xưa đang dần trở thành tuyến đường du lịch, giúp vùng đất này thêm khởi sắc.