Nhiều giải pháp đã được triển khai
Trường THPT số 3 huyện Bảo Thắng hiện có trên 600 học sinh, đến từ các xã: Bản Phiệt, Bản Cầm, Phong Niên, Thái Niên và Thị trấn Nông trường Phong Hải. Nhiều học sinh đi học cách trường khoảng 20 km. Theo thống kê của nhà trường, hiện có trên 20 học sinh thường xuyên điều khiển xe mô tô đến trường, nhưng trên thực tế con số này có thể chưa chưa chính xác.
Thầy giáo Cao Quý Đông, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 Bảo Thắng, cho biết: Thời gian qua nhà trường đã tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh về thực hiện các quy định đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh tổ chức ký cam kết không để các em điều khiển xe mô tô, không giao xe máy cho học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển, không trông giữ xe mô tô cho học sinh vi phạm. Sau khi ký cam kết nhà trường cũng tiến hành rà soát và xử lý những học sinh cố tình vi phạm. Nhà trường cũng đề nghị lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý học sinh vi phạm. Khi phát hiện học sinh vi phạm, gửi thông báo cho nhà trường để có hình thức kỷ luật như khiển trách, xếp loại hạnh kiểm…
Trước thực trạng học sinh điều khiển xe mô tô khi chưa đủ điều kiện, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đẩy mạnh tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các nhà trường từ chối để học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển mô tô, xe máy đi vào trường; các đội “cờ đỏ”, đội “xung kích tình nguyện” làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông khu vực cổng trường và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở học sinh nghiêm túc thực hiện. Cùng với đó, các nhà trường cũng đưa chương trình giáo dục về Luật Giao thông đường bộ và các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông vào các giờ học chính khóa; tăng cường phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh trong việc quản lý, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh; tổ chức ký cam kết 3 bên giữa nhà trường – học sinh và phụ huynh học sinh trong việc tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Cần quyết liệt hơn trong thời gian tới
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy giáo trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” theo hướng tăng cường thực hành để giúp học sinh hình thành kỹ năng tham gia giao thông an toàn; từng bước xây dựng văn hóa giao thông; phối hợp với Công an tỉnh, các ngành thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn giao thông. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền và ký cam kết 3 bên giữa nhà trường với học sinh, cha mẹ học sinh trong thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với tất cả học sinh THCS và THPT. Chỉ đạo thống nhất trong toàn ngành, thực hiện nghiêm việc cấm học sinh đi mô tô khi chưa có giấy phép lái xe. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong học sinh và các cơ sở giáo dục.
Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông của các cấp, ngành liên quan đã giúp học sinh nâng cao nhận thức, không điều khiển mô tô đến trường. Em Lương Hà Vi, Trường THPT số 3 huyện Bảo Thắng, cho biết: Trước kia cháu sử dụng xe Wave trên 50cm3. Sau khi được các thầy cô nhắc nhở, tuyên truyền, nên cháu đã chuyển sang sử dụng xe máy dưới 50cm3. Cháu thấy đi xe này rất an toàn và phù hợp với lứa tuổi của cháu.
Đại tá Phạm Gia Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các nhà trường, địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến học sinh, sinh viên. Từ đó hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông cho học sinh; giúp học sinh có đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết tham gia giao thông. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý học sinh điều khiển mô tô, xe máy, xe điện khi chưa đủ điều kiện. Trong quá trình xử lý, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm đối tượng là phụ huynh và người lớn tuổi đã có hành vi giao phương tiện cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện. Trong trường hợp nhẹ chúng tôi sẽ phối hợp với khu dân cư, cơ quan tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm điểm và xử lý vi phạm hành chính. Còn nếu phụ huynh giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện điều khiển mà xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt nghiêm khắc.
Song song với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh học sinh thì nhiều giải pháp “mạnh tay” hơn cũng đã được triển khai thực hiện. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông trong tỉnh đã tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe mô tô, xe máy phân khối lớn, xe điện khi chưa đủ tuổi; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng…
Trong 10 tháng năm 2023 (15/12/2022 – 15/10/2023), lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã xử lý 140 trường hợp là học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 44 triệu đồng, tạm giữ 121 xe mô tô. Trong số này có 70 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển mô tô.
Được biết, hầu hết học sinh điều khiển mô tô khi chưa đủ điều kiện đều bị các nhà trường từ chối trông giữ và phải gửi xe ở khu vực cổng trường. Vì thế, thời gian tới các cấp, ngành, địa phương liên quan cần tuyên truyền cho các gia đình sinh sống gần khu vực các cổng trường, không cho học sinh gửi xe mô tô. Nếu gia đình nào cố tình vi phạm cần có hình thức xử lý thích đáng. Các bậc phụ huynh cũng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tuyệt đối không giao xe máy, xe điện cho trẻ em sử dụng tham gia giao thông.
Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuổi, sức khỏe của người lái xe như sau:
a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.”
Theo đó, Học sinh trung học phổ thông có thể đi xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 phân phối nếu đủ từ 16 tuổi trở lên.