Ngày 7/12/2023, kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XVI đã thông qua Nghị quyết 31 (Nghị quyết 31) về đặt tên đường, phố trên địa bàn thị xã Sa Pa, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2024. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, ban, ngành của Sa Pa đang hoàn thiện thủ tục để cắm biển tên và tuyên truyền tới người dân. Tuy nhiên, việc đặt tên, đổi tên một số tuyến đường trên địa bàn thị xã Sa Pa vẫn còn nhiều bất cập.
Ở Sa Pa, có những tuyến đường dài gần chục km bị ngắt quãng ở giữa bởi những tuyến phố khác nhưng đến đoạn cuối vẫn mang tên gọi cũ; có những đường, phố trùng tên khiến người dân và du khách thường xuyên tìm nhầm địa chỉ. Cùng với đó, ở một số khu dân cư trung tâm của thị xã, người dân vẫn chịu cảnh “nhà không số, phố không tên”… Những bất cập liên quan đến tên đường, phố ở thị xã Sa Pa khiến du khách tới đây như lạc vào “ma trận” đường, phố, đồng thời gây không ít phiền toái cho cuộc sống của chính người dân nơi đây.
Đường “lúc ẩn, lúc hiện”
Đối với những người sống lâu năm ở thị xã Sa Pa thì tuyến đường Điện Biên Phủ đã quá đỗi quen thuộc. Đây là một trong những tuyến đường dài và lâu năm nhất ở Sa Pa tính đến thời điểm hiện tại. Đường Điện Biên Phủ nằm trùng với Quốc lộ 4D, dài 6,5 km, thuộc địa phận tổ 1, phường Sa Pả, đến khu vực ngã 3 đi ga cáp treo lên đỉnh Phan Si Păng và đường Ô Quý Hồ, thuộc tổ 1, phường Ô Quý Hồ.
Tuy nhiên, thực tế tuyến đường Điện Biên Phủ dẫn vào trung tâm thị xã đã bị ngắt quãng bởi nhiều tuyến phố khác, khiến người dân và du khách lúng túng khi muốn tìm địa chỉ cụ thể tại đây, nhất là với những người lần đầu tới Sa Pa.
Trước đây, mỗi lần đến Sa Pa, anh Đinh Duy Thêm, du khách tới từ huyện Si Ma Cai thường chọn cách di chuyển bằng taxi hoặc xe khách, nên không để ý đến các tuyến đường. Lần tới Sa Pa này, anh tự lái xe nên thấy cách đặt tên đường, phố ở đây rối ren, phức tạp.
“Bạn tôi hẹn ăn sáng tại một quán trên đường Điện Biên Phủ. Vừa tới Sa Pa, tôi đã gặp đường Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, khi đi đến ngã 3 rẽ vào chợ, chưa thấy địa chỉ bạn gửi nhưng tôi không thể đi tiếp theo tuyến đường này vì phía trước là đường 1 chiều. Sau khi được bạn chỉ dẫn, tôi mới biết, đi hết đường N1 sẽ thấy đường Điện Biên Phủ ở ngã 4 kế tiếp. Tôi nghĩ, nếu đã là 1 tuyến đường thì cần đảm bảo yếu tố liền mạch, còn khi đã bị ngắt quãng, nên đổi thành tên khác. Đường tự dưng biến mất rồi lại hiện ra” – anh Thêm nói.
Nhà không số, phố không tên
Đường N1, thuộc tổ 1, phường Sa Pa cũng là tuyến đường chính dẫn vào trung tâm thị xã, đi qua khu vực chợ Sa Pa nên lượng người và phương tiện giao thông qua đây rất lớn. N1 là tên kỹ thuật được đặt trên bản đồ dự án của đơn vị thiết kế khi làm đường. Thông thường, khi các tuyến đường thi công xong và có đông dân cư sinh sống thì sẽ được lấy ý kiến người dân để đặt tên đường. Tuy nhiên, đường N1 đã hoàn thành và đưa vào phục vụ dân sinh từ 7 – 8 năm nay nhưng vẫn chưa được đặt tên gọi. Hiện nay, có gần 100 hộ sinh sống hai bên đường N1, phần lớn các hộ kinh doanh. Tên đường chưa được đặt, số nhà cũng chưa có gây ra nhiều bất cập cho cuộc sống của người dân.
Mỗi ngày, gia đình tôi thường nhập và gửi nhiều mặt hàng nhưng đường chưa có số nhà nên gây khó khăn khi gửi địa chỉ cho khách hoặc shipper. Hầu như hộ nào nằm dọc tuyến đường N1 cũng lâm cảnh tương tự. Người dân đã đề xuất trong các cuộc họp tổ dân phố và các buổi tiếp xúc cử tri về việc đặt tên đường, bố trí số nhà, tuy nhiên đến thời điểm này đường N1 vẫn chưa được đổi tên.
Đường và phố trùng tên
Ở tổ 5, phường Sa Pa có tuyến đường mang tên Thác Bạc, với điểm bắt đầu từ ngã 5 – nơi giao nhau giữa các đường Thạch Sơn, Xuân Viên, Hoàng Diệu và Fansipan, điểm kết thúc là ngã 3 – nơi giao nhau với đường Điện Biên Phủ, ở khu vực tổ 3B, phường Phan Si Păng. Cách đó không xa cũng có phố Thác Bạc với điểm đầu là ngã 3 giao với đường Thác Bạc (tại vị trí khách sạn Lacasa), điểm cuối là ngã 3 giao với đường Thác Bạc (tại vị trí khách sạn Hoàng Hà). Đường và phố cùng tên gọi, lại cách nhau không xa đã dẫn đến nhiều chuyện dở khóc, dở cười cho người dân và du khách khi tới đây.
Việc trùng tên làm nhiều hộ sống ở đường và phố Thác Bạc gặp rất phiền phức. Ví dụ như khách đặt phòng ở một nhà nghỉ trên đường Thác Bạc nhưng lại được lái xe taxi đưa đến một nhà nghỉ có cùng số nhà trên phố Thác Bạc và ngược lại.
“Chúng tôi thường gặp các trường hợp du khách đến nhầm địa chỉ nhà nghỉ, khách sạn hoặc nhà hàng ở 2 đường và phố Thác Bạc. Việc trùng tên gọi như vậy dễ gây nhầm lẫn, mất thời gian và để lại ấn tượng không tốt với du khách” – ông Cường cho biết.
Sa Pa là điểm đến của nhiều du khách trong và người nước, việc các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng… được đưa lên các trang tìm kiếm như booking, agoda để thuận tiện cho du khách đặt phòng lưu trú khi tới đây là điều đương nhiên. Vì thế, việc tên đường, phố, địa danh trùng nhau hoặc chỉ khác nhau dấu câu cũng gây ra nhiều hiểu nhầm, phiền toái không đáng có. Đơn cử như phường Sa Pả hoặc phường Sa Pa, khi đưa lên các trang quốc tế đều thành Sa Pa; đường Thác Bạc hoặc phố Thác Bạc đều là Thac Bac street (đều là đường nội thị).