PV: Xin ông cho biết về số vụ cháy rừng xảy ra trong thời gian và nguyên nhân cụ thể?
Ông Nguyễn Việt Hà: Theo thống kê của Chi cục kiểm lâm tỉnh Lào Cai, tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra 12 vụ cháy rừng, khiến 36,35 ha rừng bị thiệt hại. Trong khi đó, năm 2023 xảy ra 15 vụ cháy, rừng bị thiệt hại 40,58 ha. Đây là điều đáng buồn là số vụ tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái và diễn biến phức tạp hơn.
Nguyên nhân các vụ cháy rừng trên là do ý thức trách nhiệm của người dân dù được nâng lên, tuy nhiên một số bộ phận vẫn còn lơ là. Hai là, bất cẩn trong việc sử dụng lửa chưa có ý thức trách nhiệm cao dẫn đến còn tình trạng phát sinh các điểm cháy.
Ngoài những yếu tố khách quan trên, năm nay, số vụ cháy rừng xảy ra nhiều còn do một số nguyên nhân chủ quan, một số chính quyền cấp cơ sở còn thiếu chủ động trong phòng ngừa cháy rừng.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng khiến gần 40ha bị thiệt hại.
PV: Những khó khăn trong việc bảo vệ rừng của ngành kiểm lâm Lào Cai hiện nay là gì?
Ông Nguyễn Việt Hà: Diện tích rừng lớn, phân bố không tập trung, địa hình chia cắt, hiểm trở, phức tạp hình đồi núi hiểm trở, nhiều khu vực rừng nằm ở những vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc tuần tra và kiểm soát, giám sát rừng.
Nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng như nguồn lực về nhân lực, tài chính, và trang thiết bị của lực lượng kiểm lâm còn thô sơ, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thêm vào đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa nghiêm; vẫn còn hiện tượng khai thác, chặt phá, buôn, bán gỗ, lâm sản trái phép; sử dụng các sản phẩm thực vật, động vật rừng thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm trái pháp luật, làm gia tăng áp lực về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học…
Nhận thức của một bộ phận người dân về vai trò và ý nghĩa của việc bảo vệ rừng còn hạn chế, dẫn đến việc cùng tham gia và ủng hộ công tác bảo vệ rừng chưa cao, vẫn cho rằng nhiệm vụ bảo vệ rừng là nhiệm vụ của Kiểm lâm, của chính quyền địa phương mà chưa nhận thức được trách nhiệm của người dân của cộng đồng đối với nhiệm vụ này. Các chủ rừng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; đất đai bị chồng chéo, tranh chấp, xâm lấn chưa giải quyết triệt để.
Ghi nhận thực trạng rừng để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Việc xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng còn nương nhẹ nên chưa có tác dụng răn đe, giáo dục người vi phạm, dẫn tới một số đối tượng khai thác, phá rừng có biểu hiện coi thường pháp luật, thách thức cơ quan công quyền và tiếp tục chống người thi hành công vụ.
PV: Xin ông cho biết những biện pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay của tỉnh Lào Cai?
Ông Nguyễn Việt Hà: Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lâm nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, đơn vị đã không ngừng đổi mới, đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng bền vững.
Năm 2023, Chi cục đã tổ chức 21 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức viên chức kiểm lâm, cán bộ các đơn vị cấp huyện, các tổ/đội bảo vệ rừng, cộng đồng dân cư được giao rừng bảo vệ rừng; 18 hội nghị tuyên truyền nghiệp vụ về các quy định của pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cán bộ kiểm lâm Lào Cai phối hợp cùng người dân tuần tra bảo vệ rừng.
Trong đó, chủ yếu tập trung vào phổ biến việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng số, hệ thống thông tin cơ sở và các phương tiện truyền thông mới rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân như Zalo, facebook,… Ưu tiên các giải pháp tiếp cận người dân ở khu vực biên giới, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, các ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số để đưa thông tin đến với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác truyền thông và thông tin cơ sở.
Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho cộng đồng; tổ chức tốt công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; sẵn sàng, chu đáo phòng, chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra; tổ chức phân vùng các điểm nguy cơ cháy để tăng cường kiểm tra giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
PV: Ông có những đề xuất, kiến nghị để giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng được tốt hơn trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Việt Hà: Song song với các giải pháp quyết liệt từ địa phương, Chi cục cũng đề nghị các ngành chức năng và lãnh đạo địa phương tăng cường đầu tư nguồn lực về tài chính, nhân lực và trang thiết bị cho lực lượng kiểm lâm. Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa các ngành liên quan như Kiểm lâm, Công an, Quân đội và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý và xử lý vi phạm.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng cho người dân trên địa bàn; đặc biệt là không tiếp tay, che giấu các hành vi phạm tội. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; quy trách nhiệm của chủ rừng khi để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật đối với diện tích được giao quản lý.