Khoa học – công nghệ đang ngày càng phát triển, nhiều học sinh được tiếp cận sớm với các hoạt động liên quan đến công nghệ số. Thế nhưng, tại nhiều trường học, nhận thức, ý thức của giáo viên, học sinh về an toàn thông tin mạng còn hạn chế. Nhiều giáo viên, học sinh chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của an toàn thông tin mạng, chưa có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin của nhà trường. Điều này dẫn đến việc dễ bị tấn công, xâm nhập, đánh cắp thông tin, dữ liệu. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh, sinh viên, nhà giáo về internet, an toàn thông tin, an ninh mạng đang là vấn đề được quan tâm.
Vừa qua, 23 trường học ở các xã: Gia Phú (huyện Bảo Thắng), Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa), Tả Phời (thành phố Lào Cai) và Tân Thượng (huyện Văn Bàn) được triển khai lắp đặt thiết bị bảo vệ an toàn thông tin khi truy cập internet. Cùng với thiết bị đã được lắp đặt, SafeGate School là bộ giải pháp quản lý, bảo vệ an toàn được phát triển dành riêng cho các trường học. SafeGate School ứng dụng mô hình điện toán đám mây “Cloud-Native Security Platform”, giải pháp cung cấp các tính năng bảo vệ các thiết bị trong trường học khỏi địa chỉ lừa đảo, mã độc; cảnh báo để xử lý sớm máy tính bị virus tấn công, mã hóa dữ liệu.
Mô hình thí điểm được sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai chủ trì, chịu trách nhiệm toàn diện về việc triển khai chương trình. Công ty SafeGate là đơn vị cung cấp giải pháp SafeGate School và hỗ trợ triển khai chương trình. Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ sở giáo dục phối hợp triển khai và đánh giá kết quả thực hiện chương trình thí điểm.
Xã Gia Phú (Bảo Thắng) hiện có 6 trường học tham gia mô hình thí điểm. Thiết bị giám sát, đảm bảo an toàn thông tin được lắp đặt tại các trường học đã góp phần quản lý việc truy cập internet từ các thiết bị trong nhà trường hiệu quả hơn.
Thầy Nguyễn Hữu Quỳnh, giáo viên Tin học, Trường THCS số 1 xã Gia Phú cho biết: Trước đây, trong các tiết Tin học, khi cho học sinh thực hành trên máy tính mà không muốn học sinh truy cập internet để tập trung vào bài giảng thì tôi chỉ có cách rút dây mạng. Trường chúng tôi là 1 trong 6 trường của xã Gia Phú được hỗ trợ bộ giải pháp SafeGate School. Khi lắp đặt thiết bị, tôi có thể chặn việc truy cập một số website, mạng xã hội, game online hoặc giới hạn từ khóa khi tìm kiếm thông tin trên internet… Tôi cũng có thể theo dõi được từng thiết bị trong hệ thống đang truy cập nội dung nào, thời gian truy cập để kịp thời nhắc nhở học sinh.
Với sự hỗ trợ của thiết bị này, thay cho việc cấm hoàn toàn, tôi có thể quản lý học sinh truy cập internet một cách dễ dàng, thuận tiện, hiệu quả hơn.
Để đảm bảo an toàn thông tin trong trường học, thời gian qua, các trường học đã thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý, giám sát việc sử dụng internet của học sinh. Các trường học cũng phối hợp với phụ huynh đôn đốc, giám sát việc sử dụng internet của các con. Nhiều trường học đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng cho học sinh bao gồm các quy tắc về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ trên mạng. Cùng với đó, các buổi ngoại khóa về an toàn thông tin trên mạng cho học sinh với các nội dung về nguy cơ tiềm ẩn trên mạng, cách phòng tránh và cách sử dụng internet an toàn cũng được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng cho học sinh khi tham gia kết nối với thế giới thông qua internet.
Mục tiêu của mô hình thí điểm trường học an toàn là xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, góp phần bảo vệ thông tin của nhà trường, giáo viên, học sinh và xã hội.
Ông Hạnh cho biết thêm: Thông qua mô hình này, nhận thức, ý thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về an toàn thông tin mạng sẽ từng bước được nâng cao. Mô hình cũng trang bị giải pháp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác an toàn thông tin mạng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác an toàn thông tin mạng.