Ngoài việc chỉ đạo Nhân dân chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, các địa phương cũng tích cực tuyên truyền Nhân dân không thả dông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp và có chuồng trại hợp lý tránh rét cho đàn vật nuôi trong những ngày đông giá.
Đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi trong những ngày đông giá.
Gia đình chị Lê Thị Yên – thôn Tân Lập xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng) hiện có 4 con bò và 1 con lợn nái. Ngay từ đầu tháng 11, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, gia đình chị đã thực hiện các biện pháp che chắn chuồng trại và chuẩn bị đủ các loại thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo nên trong nhiều năm qua đàn gia súc của gia đình chị Yên ít bị ảnh hưởng trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại. Chị Lê Thị Yên, chia sẻ: Như kinh nghiệm từ nhiều năm nay, ngay từ khoảng giữa tháng 7, gia đình chị đã chủ động dự trữ trên 1,5 tấn rơm rạ, ngoài ra còn trồng hơn 3 sào cỏ voi, đảm bảo đàn gia súc không đói, rét.
Tương tự như gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh, thôn Tiến Lập, xã Trì Quang những ngày này cũng tất bật che chắn kín chuồng cho đàn gia cầm. Với quy mô nuôi hơn 5.000 con gà mỗi lứa, anh Thịnh luôn chú trọng việc phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gà của gia đình. Anh Thịnh chia sẻ: Những ngày nhiệt độ xuống thấp anh nhốt gà trong chuồng và dùng bạt che xung quanh chuồng trại. Theo anh Thịnh việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi rất quan trọng. Cần duy trì nhiệt độ chuồng nuôi ổn định, chất độn chuồng phải đảm bảo luôn khô ráo; thức ăn đủ chất dinh dưỡng, cho ăn nhiều bữa trong ngày và uống đủ nước sạch, ấm, đảm bảo gà không bị đói; đồng thời, cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét trên đàn gà nên mỗi năm, gia đình anh Thịnh xuất bán 1,5 vạn con gà, cho thu nhập khá cao.
Còn tại xã Phú Nhuận, một trong những địa phương có số lượng đại gia súc tương đối lớn của huyện Bảo Thắng với trên 9.000 con. Để chủ động các phương án phòng chống đói rét cho gia súc trong mùa đông năm nay, xã đã chỉ đạo các thôn vận động và hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn; tu sửa, gia cố chuồng trại và đảm bảo khu vực chăn nuôi luôn khô ráo, sạch sẽ. Đến nay, trên 98% hộ chăn nuôi của xã đều đã xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt gia súc và chủ động nguồn thức ăn dự trữ. Bên cạnh đó, diện tích trồng cỏ voi cũng được các hộ chăn nuôi mở rộng.
Người dân chủ động che chắn chuồng trại cho đàn vật nuôi.
Gia đình bà Hoàng Thị Toi – thôn Nhuần 4 xã Phú Nhuận hiện có 2 con trâu. Đây là tài sản lớn đối với gia đình bà, nên ngay từ đầu mùa đông bà Toi đã chủ động mua bạt che kín khu chuồng nuôi, thường xuyên giữ chuồng trại chăn nuôi khô ráo. Trong trường hợp nhiệt độ xuống thấp, bà thường xuyên đốt lửa sưởi ấm cho trâu. Đồng thời, bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn thô để giúp đàn trâu phát triển khỏe mạnh. Xung quanh nhà bà trồng 10 sào cỏ voi để làm thức ăn cho đàn trâu và luôn tuân thủ tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc theo định kỳ.
Bảo Thắng được xem là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển của tỉnh Lào Cai. Trên địa bàn hiệncó hơn 122 nghìn con gia súc (trâu, bò, lợn, dê) và trên 2 triệu con gia cầm các loại. Tỷ lệ hộ có chuồng nuôi đảm bảo, kiên cố đạt 97%. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm ước đạt gần 30 nghìn tấn, tăng trên 600 tấn so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đang tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để kịp thời xuất bán ra thị trường đúng vào dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Do vậy, việc chống rét cho đàn vật nuôi được các hộ đặc biệt chú trọng.
Ông Vũ Kiều Hưng – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Song song với phòng chống đói, rét, công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được huyện Bảo Thắng đặc biệt chú trọng. Các địa phương và ngành chuyên môn đã tuyên truyền người dân áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp đảm bảo an toàn dịch bệnh; thực hiện tiêm phòng định kỳ và đầy đủ các loại vắc xin cần thiết cho từng loại vật nuôi. Đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại; hằng ngày theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và hướng dẫn Nhân dân cách phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, nên đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm cẩn thận.
Với các biện pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự chủ động của bà con Nhân dân, tin tưởng rằng mùa đông năm nay huyện Bảo Thắng sẽ hạn chế được tối đa những thiệt hại trong chăn nuôi, đảm bảo sự phát triển bền vững của đàn vật nuôi trên địa bàn và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.