Từ thành phố Lai Châu, chúng tôi lên thị xã Sa Pa vào buổi chiều muộn, con đường uốn lượn quanh co đồi núi. Thi thoảng, những cây hoa gạo hai bên sườn núi vươn mình ra khỏi thảm cây rừng khẳng khiu trụi lá, chỉ còn những bông hoa nở đỏ rực trên nền trời xanh thẳm như thắp lửa sưởi ấm ngày xuân.
Không hổ danh “tứ đại đỉnh đèo”
Mùa này hoa đỗ quyên trên đỉnh Pu Ta Leng nở bạt núi. Đây là đỉnh núi cao thứ ba trong những đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, thuộc địa phận xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có độ cao 3.049m so với mực nước biển. Để chinh phục được đỉnh Pu Ta Leng, các phượt thủ phải vượt qua những con dốc đá phủ đầy rêu, hay băng qua những con suối chảy róc rách, len lỏi qua khu rừng trúc thâm u. Pu Ta Leng còn được đánh giá là nơi có địa hình phong phú, hội tụ đầy đủ các vẻ đẹp của những đỉnh núi khác cộng lại.
Hiện Lai Châu là tỉnh có nhiều đỉnh núi cao nhất nước ta với 6/10 đỉnh, bao gồm 1 đỉnh núi cao thứ 2 là Pu Si Lung và 5 đỉnh núi cao thứ 3 là: Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Phàn Liên Sơn, Tả Liên Sơn, Pờ Ma Lung. Trong đó, Pu Si Lung được coi là đỉnh núi khó chinh phục nhất với quãng đường trecking dài nhất, còn Pu Ta Leng là đỉnh núi đẹp nhất với những cánh rừng nguyên sinh đầy mê hoặc. Muốn sang thị xã Sa Pa, chúng tôi phải vượt qua đèo Ô Quy Hồ – một trong tứ đại đỉnh đèo Việt Nam lộng gió bằng chiếc xe Simson cà tàng. Đèo còn có tên là Cổng Trời với độ dài hơn 50km và cao gần 2.000m so với mực nước biển. Đây là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất ở miền núi phía Bắc.
Một góc nhỏ trên đường lên đỉnh Fansipan.
Với vẻ đẹp kỳ vĩ này, tỉnh Lai Châu đã bắt đầu đưa vào khai thác du lịch như xây dựng các khu du lịch ngắm cảnh đèo và tham quan bằng cầu kính. Bên cạnh đó, những khu du lịch nhỏ luôn thu hút các bạn trẻ đến chụp ảnh cưới và check in sống ảo. Những khu du lịch này cũng được làm khá đơn giản để giữ nét hoang sơ của núi rừng, nhiều chiếc cầu nhỏ bắc ra tận ngoài vách núi giúp du khách có thể cảm nhận được sự mạo hiểm giữa núi đồi chênh vênh rộng lớn, chỉ cần sẩy chân là có thể lao xuống vực sâu thăm thẳm. Đặc biệt, hoa cải được người dân tận dụng trồng ngay trên các lối đi tạo nên bản sắc riêng của vùng núi Tây Bắc. Khách du lịch đến đây chỉ cần mua vé vài chục ngàn đồng là có thể vào tham quan và thỏa sức chụp ảnh sống ảo với vườn hoa cải, xích đu, sàn gỗ, cây cô đơn, cầu thang bắc lên trời…
Khi đến địa phận Sa Pa, tỉnh Lào Cai – thủ phủ của du lịch Tây Bắc thì những khu du lịch kiểu như thế này mọc lên càng nhiều và cách trang trí, thiết kế cũng chuyên nghiệp hơn. Hai bên đường mọc lên vô vàn gian hàng bán đồ lưu niệm và các sản vật của đồng bào dân tộc nơi đây như thịt trâu gác bếp, hạt mắc kén, hạt dẻ, dao, rựa, trang phục truyền thống… Điều ấn tượng nhất với tôi khi đến thị xã Sa Pa là những đồi hoa nở trong sương rất đẹp và lãng mạn. Có một số loài hoa thường xuất hiện vào dịp Tết mà tôi biết tên như hồng, đỗ quyên, cúc sao băng… nhưng cũng có những loại hoa lạ đối với tôi.
Thị xã lắng đọng về đêm
Mùa xuân, Sa Pa được điểm tô bởi sắc màu hồng phấn, màu tuyết trắng của hoa đào, hoa mận, hoa lê dọc trên các tuyến phố, bờ hồ, công viên. Tuy là thị xã nhỏ nhưng Sa Pa vẫn mang những nét riêng của đô thị cổ vùng cao. Những quán ăn, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… nằm san sát nhau tạo thành một quần thể dịch vụ du lịch thuận tiện cho du khách. Chỉ cần đi dạo thong dong trong buổi chiều muộn, chúng tôi có thể khám phá những vẻ đẹp của phố núi lên đèn trong màn sương phủ.
Trong mắt tôi, Sa Pa vừa lạ vừa quen bởi pha lẫn giữa kiến trúc truyền thống của đồng bào Tây Bắc và vẻ đẹp hiện đại của kiến trúc phương Tây với các dinh thự nguy nga lộng lẫy. Ở khu trung tâm còn qui tụ những ngôi nhà có kiến trúc riêng biệt như nhà thờ, siêu thị, bưu điện, chợ… tạo nên một Sa Pa độc lạ.
Có lẽ, Sa Pa là thủ phủ du lịch của vùng Tây Bắc nên món ăn rất đa dạng và phong phú hơn, cách nấu cũng hợp khẩu vị cho nhiều thực khách.
Càng về đêm, sương càng phủ dày đặc phố núi. Những con phố, hàng cây lờ mờ trong ánh điện vàng. Nếu quan sát kỹ qua bóng đèn cao áp có thể nhìn thấy sương rơi nặng hạt như mưa phùn, đi dạo một lúc là ướt đẫm. Dù tiết trời se lạnh, ở quảng trường trung tâm thị xã vẫn còn những em bé người Mông mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình đứng co ro mời khách mua kẹo, bánh. Ngoài thịt trâu gác bếp, nhiều loại bánh làm từ hạt dẻ được người dân địa phương chế biến ngay tại chỗ trong các quán ven đường tỏa hương thơm phức. Chúng tôi vừa đi dạo phố dưới sương khuya vừa ăn những chiếc bánh hạt dẻ nóng hổi có vị ngọt bùi, lòng thấy ấm áp và thi vị.
Chinh phục đỉnh Fansipan
Người ta bảo, đã đến Sa Pa mà không leo đỉnh Fansipan thì xem như chưa đến đây. Nằm trong chuỗi hệ thống các khu du lịch do Sungroup đầu tư, kiến trúc không gian của các khu tiểu cảnh, khuôn viên, lối đi, tiền sảnh đón khách… trong khu du lịch Fansipan khá na ná với khu du lịch Bà Nà Hills. Chỉ cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 1-2 cây số nhưng khu du lịch Fansipan có khí hậu trong lành và mát mẻ, rất thích hợp để trồng các loại hoa ôn đới. Từ ngoài cổng bước vào là những khuôn viên trồng hoa cải, cúc sao băng, đỗ quyên… xen kẽ các bức tượng voi, công, ngựa, gấu… được kết từ cây xanh tự nhiên. Bên trong còn có khu lưu niệm bày bán các đặc sản và trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao.
Chụp ảnh cưới ở đèo Ô Quy Hồ.
Để lên tới đỉnh Fansipan – ngọn núi cao nhất Đông Dương với độ cao 3.143m, chúng tôi phải leo bộ qua nhiều bậc thang bằng đá. Ngày xưa khi chưa có cáp treo, du khách phải mất mấy ngày đi bộ và leo trèo băng qua đường rừng trơn trượt và nguy hiểm, do đó việc chạm tay tới đỉnh là một kỳ tích đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người.
Ngày nay, với hệ thống cáp treo được xây dựng hiện đại và hoành tráng, du khách có thể chọn những trạm ga dừng chân thích hợp để leo bộ trên bậc tam cấp tùy theo sức khỏe của mình. Khi cabin chạy ngang qua các ngọn đồi, tôi có thể ngắm nhìn bản làng dưới chân núi. Những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa đổ nước như những chiếc gương khổng lồ xếp chồng lên nhau thu vào tầm mắt. Bên trên là những đám mây trắng trôi bồng bềnh như những cột khói lam chiều vắt ngang qua thung lũng, làm cho cảnh vật miền sơn cước trở nên bình yên, thơ mộng. Những ngôi nhà gỗ trong bản Cát Cát thoáng ẩn thoáng hiện đưa tôi trở về với cuộc sống tuổi thơ buồn tẻ, vắng lặng nhưng cũng rất mộc mạc, nên thơ.
Ở đỉnh Fansipan, gió mạnh đến nỗi chúng tôi có thể nghe rõ tiếng cờ bay phần phật. Mọi người phải ngồi rạp xuống hoặc nép mình vào thành tường khi đứng chụp ảnh check in, dù vậy ai nấy cũng hân hoan vì đã chinh phục được đỉnh núi cao nhất Đông Dương. Lúc tôi lên đến nơi thì trời đã trưa nên dù lạnh, bầu trời vẫn trong xanh và có nắng đẹp, thuận lợi để ngắm cảnh đồi núi hùng vĩ xung quanh. Với khí hậu thời tiết thay đổi bất thường, nếu khách không tranh thủ chụp ảnh thì những mảng mây lớn ùn ùn kéo đến kèm theo mưa và gió lạnh bất chợt sẽ không có chỗ trú ẩn. Do đó, một khi đã đến đỉnh, du khách đều tranh thủ chọn cho mình những góc chụp ưng ý ngay lúc nắng vừa lên.
Đặc biệt, lần đầu tiên chạm tay đến đỉnh núi Fansipan sau một quãng đường giá buốt, cảm xúc trong tôi dâng trào và chợt nhớ đến một câu nói khuyết danh rằng: “Những tấm huy chương vàng không thực sự được làm từ vàng. Chúng được làm từ mồ hôi, sự quyết tâm, và một thứ kim loại khó tìm gọi là khí phách”. Thật vậy, để chinh phục đỉnh cao trong cuộc đời của mỗi người không chỉ bằng những giọt mồ hôi lao động vất vả mà nó còn có một thứ quan trọng hơn, đó chính là khí phách!