Họ là những người từng “vào sinh ra tử”, anh dũng chiến đấu trên các chiến trường vệ quốc, từng công tác trong các đơn vị lực lượng vũ trang hoặc có những năm tháng trong quân ngũ, nay trở về đời thường song vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”, cống hiến cho đời thêm những việc tốt. Đó là những cựu chiến binh hăng hái thi đua, vượt lên chính mình, “lập chiến công” trong thời bình.
Ở tuổi 59, ông Nguyễn Thế Yên, Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng Phúc Yên (Công ty Phúc Yên) vẫn vạm vỡ, hoạt bát, nhanh nhẹn lắm. “Bí quyết của anh là gì?”, tôi hỏi. “Là vận động, lao động thường xuyên, không cho phép mình nghỉ ngơi khi thấy còn khỏe. Tôi còn có nhiều “cái không”, đó là không uống rượu, không hút thuốc lá, không uống nước chè, không thức khuya…”, ông Yên cất tràng cười vô tư, sảng khoái.
Đã có nhiều bài báo, nhiều phóng sự nói đến cựu chiến binh Nguyễn Thế Yên trong vai “ông vua chuối tiêu hồng”. Chuối tiêu hồng của Công ty Phúc Yên là một trong những mặt hàng nông sản đầu tiên của tỉnh được công nhận sản phẩm OCOP năm 2019. Nhưng sản phẩm giúp ông Yên trở nên nổi danh giờ không còn là thế mạnh của doanh nghiệp nữa, thị trường chuối tiêu hồng gắn tên Phúc Yên cũng thu hẹp khá nhiều.
Tôi gặp ông Nguyễn Thế Yên cách đây tròn 10 năm, thời điểm ông làm một việc rất táo bạo, lạ lùng là bỏ phố vào rừng. Công ty Phúc Yên hồi đó là một ngôi sao của “làng” doanh nghiệp xây dựng cơ bản Lào Cai, nhờ đó mà ông Yên có một cơ ngơi là khách sạn lớn giữa trung tâm phường Phố Mới (nay là phường Lào Cai). Sự nghiệp của doanh nghiệp xây dựng cơ bản đang rất hanh thông thì ông Yên quyết định dừng hoạt động lĩnh vực này; khách sạn đang rất đông khách cũng được rao bán để chuyển sang đầu tư, kiến thiết hơn 250 ha đất tại một khe núi thuộc xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai), sau Khu Công nghiệp Đông Phố Mới.
Chàng thanh niên quê Nam Định sẵn làn da ngăm đen, lại được tôi luyện hơn 4 năm quân ngũ ở đảo Phan Vinh, đảo Trường Sa Lớn đã làm nên nét dạn dày sương gió của cựu chiến binh Nguyễn Thế Yên hôm nay. Quyết đoán, táo bạo dường như là phẩm chất của người lính, cho đến nay, dù chạm ngưỡng tuổi nghỉ ngơi nhưng ông Yên vẫn duy trì điều đó.
Khi sản phẩm chuối tiêu hồng đang nổi thì ông lại chuyển hướng trọng tâm sang chăn nuôi lợn lai rừng, vịt bầu Nghĩa Đô và sản phẩm mới nhất là trang trại nuôi giun quế và trâu sinh sản. Trung tuần tháng 12/2023, Công ty Phúc Yên xuất 2 tấn giun quế đầu tiên cho một dự án nông nghiệp của tỉnh, hiện mô hình nuôi giun quế của ông đang là điểm đến cho nhiều cơ sở hội nông dân của tỉnh đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Một lần tham quan cơ sở sản xuất các dược liệu từ atiso của một doanh nghiệp tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, khi thấy bã hữu cơ atiso là thứ bỏ đi, ông Yên nảy ra ý tưởng nhập về để nuôi giun quế, sau đó giun quế trộn với bã cây atiso làm thức ăn cho hàng trăm con lợn rừng lai, tạo thế sản xuất tuần hoàn khép kín. Việc nuôi đàn trâu sinh sản hiện nay cũng tạo nguồn chất thải để nuôi giun quế của Công ty Phúc Yên.
Ông Yên “bật mí”, mọi hướng đi trong thời gian qua chỉ là lấy ngắn nuôi dài, quế mới là “kho của” bền vững và lớn nhất của Công ty Phúc Yên hiện nay.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quế xanh mỡ màng mới 6 đến 7 năm tuổi nhưng đã có những thân cây đường kính tới 20, 30 cm, tương đương với cây quế 15 năm tuổi ở nhiều vùng của tỉnh Lào Cai. Phát hiện ra vùng đất hợp với quế nên ông Yên đã chuyển hướng mũi nhọn từ chuối sang quế, chính những thân, củ chuối hoai mục cũng là nguồn dinh dưỡng cho quế trưởng thành nhanh hơn ở nhiều vùng chuyên canh quế khác. “Vận động liên tục, có khỏe đến mấy cũng đến lúc phải nghỉ ngơi, hơn 50 ha quế là nguồn động viên lớn nhất của tôi, cuộc sống dù có xoay vần ra sao thì lá quế vẫn xanh”, ông Yên nói.
Nữ cựu chiến binh Chu Thị Thanh Ngà, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai cũng là một ví dụ điển hình về nghị lực trong cuộc sống. Chị Ngà từng công tác nhiều năm tại một đơn vị bộ đội phòng không bảo vệ bầu trời thủ đô Hà Nội, vì lý do gia đình phải nghỉ công tác để cùng chồng về quê hương Nam Định lập nghiệp. Chồng mất sớm, một mình chị Ngà đã mang theo 2 con nhỏ lên thành phố Lào Cai lập nghiệp với nguồn vốn là con số 0, tần tảo lao động, với những nỗ lực của người lính “Bộ đội Cụ Hồ” đến nay chị đã thành lập được Bệnh viện thú y đầu tiên trên địa bàn tỉnh và 2 cơ sở chăm sóc thú cưng tại thành phố Lào Cai. Các cơ sở của chị Ngà đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 10 lao động với thu nhập ở mức khá.
Hơn 30 năm trong quân ngũ, cách đây 10 năm, trước khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Đình Nhẫn là Phó Chánh Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Giàu uy tín, năng lực, vừa rời nhiệm sở, ông được vận động tham gia ứng cử Bí thư Chi bộ tổ dân phố, nay là khu dân cư Trần Đăng Ninh III (gồm tổ dân phố 33 và 34), phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai). Chi bộ do ông Nhẫn làm bí thư hiện có 40 đảng viên, ngoài ra còn quản lý 81 đảng viên diện 213 tham gia sinh hoạt 2 kỳ mỗi năm. Ông Nguyễn Đình Nhẫn còn được bầu là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Cốc Lếu và giữ cương vị này suốt 7 năm qua. Gánh trên vai 2 trọng trách, việc bận bịu hằng ngày nhưng ông chưa bao giờ phàn nàn. Nguồn động viên, cổ vũ luôn đến từ người vợ vốn đã đồng hành, làm tròn bổn phận vợ người lính suốt mấy chục năm.
Tính riêng năm 2023, ông Nhẫn và Ban Chấp hành Hội đã có nhiều thành tích trong vận động hội viên, người dân thực hiện tốt các phong trào thi đua. Tiêu biểu như trong phong trào phát triển kinh tế, duy trì các mô hình chăn nuôi tổng hợp của các hội viên Cao Anh Tuấn, Vũ Đình Văn; dịch vụ may mặc của hội viên Trần Hồng Cương; kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn của hội viên Nguyễn Văn Sáu; vận tải hàng hóa của hội viên Hà Minh Giám… Hội viên cựu chiến binh phường Cốc Lếu còn tích cực tham gia các cuộc vận động xây dựng đô thị văn minh thông qua duy trì, nhân rộng các mô hình tuyến phố do hội cựu chiến binh tự quản, khu dân cư đảm bảo an toàn phòng cháy do hội viên cựu chiến binh triển khai.
Thi đua trên các chủ đề, lĩnh vực, nội dung, hơn 24 nghìn hội viên cựu chiến binh tỉnh Lào Cai vẫn hăng hái, miệt mài đóng góp bằng nhiều việc làm tốt, mô hình hay, cách làm mới. Tiêu biểu là các phong trào thi đua như chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho hội viên; thi đua xây dựng các cấp hội trong sạch, vững mạnh, hội viên gương mẫu, gia đình văn hóa; thi đua tham gia giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thực hiện chính sách đối ngoại nhân dân; thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” và nhân rộng gương điển hình tiên tiến…
Cho dù khó khăn, đối diện với thử thách, cam go nhưng tinh thần xung phong, kiên trì, lập chiến công, giành chiến thắng là hành trang trân quý của Bộ đội Cụ Hồ trên các mặt trận của cuộc sống đời thường.