Mùa đông đến, những cây hồng ở bản làng người Mông huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bắt đầu rụng hết lá. Trên những cành hồng, chỉ còn lúc lỉu quả chín đỏ rực lên như một gam màu làm ấm tiết trời sương giá.
Xã Tây Sơn nằm cách thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) khoảng 12 km. Đây là nơi định cư từ lâu đời của cộng đồng người Mông với những ngôi nhà lợp bằng mái sa mu truyền thống. Mùa đông đến, khắp các bản Huồi Giảng 1,2,3 rực lên một màu đỏ của những trái hồng chín.
Những cây hồng rụng hết lá chỉ còn trơ lại trên cành những chùm quả chín đỏ như một bức tranh thơ mộng giữa trời đông.
Theo người dân bản Huồi Giảng 1 cho biết, đây là loại hồng có mặt từ lâu đời ở địa phương. Do ít có giá trị kinh tế cao nên người dân chỉ dùng để làm cảnh là chính. Tuy nhiên, khi hồng chín đến độ mềm thì ăn cũng rất ngọt.
Hồng chín trùm lên mái nhà lợp bằng mái sa mu của người Mông.
Trên các lối đi vào bản, hai bên rực đỏ một màu đỏ của hồng chín.
Người Mông ở Tây Sơn chủ yếu hái hồng chín về làm trang trí trong gia đình hoặc dùng ăn và làm quà cho khách thập phương đến bản.
Hồng cũng là món ăn ưa thích của những đứa trẻ người Mông nơi đây.
Những cây hồng sai trĩu quả khiến du khách mỗi khi đến vùng đất này mê đắm vẻ đẹp của loại quả này.
Khung cảnh yên bình ở bản người Mông xứ Nghệ.