Tham gia buổi tiếp xúc có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc tỉnh Lào Cai; Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Hà Đức Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.
Dự buổi tiếp xúc cử tri có các đồng chí: Giàng Seo Vần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai; Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng trên 200 cử tri các xã, thị trấn, các ngành, đơn vị, đại biểu huyện Bắc Hà.
Tiếp sau thông tin khái quát kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tại kỳ họp Quốc hội, có 10 cử tri đã sôi nổi bày tỏ ý kiến, kiến nghị.
Về lĩnh vực giáo dục, cử tri cho biết ngoài học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở thuộc thôn, xã đặc biệt khó khăn và học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo tại xã khu vực II, khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì các đối tượng khác lại không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, thu nhập của hộ cận nghèo không cao hơn nhiều so với thu nhập của hộ nghèo, nhiều học sinh nhà ở xa, giao thông đi lại khó khăn nhưng không được hỗ trợ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc huy động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần. Đề nghị ban hành nghị định thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ bổ sung đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số không thể đi và về trong ngày, phải ở bán trú thuộc các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông được hưởng hỗ trợ như học sinh hộ nghèo, học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, số lượng phòng ở bán trú không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện rất khó khăn, trung bình trên 16 học sinh/phòng, cá biệt có nhiều trường trên 20 học sinh/phòng, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị với Chính phủ tiếp tục có chính sách, ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, xây dựng phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, cơ sở hạ tầng; giải quyết vấn đề thiếu giáo viên các môn chuyên biệt (Tin học, Ngoại ngữ…), kiến nghị với Chính phủ có cơ chế ưu tiên, thu hút giáo viên về công tác tại các huyện vùng cao…
Lĩnh vực phát triển kinh tế, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí nguồn lực hỗ trợ huyện thoát nghèo và cho phép kéo dài thời gian thực hiện đến năm 2027 để đảm bảo sinh kế và an sinh xã hội cho người dân và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở huyện nghèo; xem xét chỉ đạo các bộ, ngành trung ương khi phân bổ vốn sự nghiệp nên giao tổng kinh phí thực hiện trong từng dự án thành phần thuộc chương trình hoặc bổ sung quy định cho các địa phương có cơ chế chủ động được điều chỉnh, phân bổ kinh phí giữa các dự án, thuộc chương trình để phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và đảm bảo mức vốn của từng dự án thành phần, đúng nội dung chi và định mức chi…
Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, các cử tri đề nghị điều chỉnh giảm mục tiêu phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới để phù hợp sự thay đổi của Bộ tiêu chí; có cơ chế, chính sách hỗ trợ duy trì, củng cố các tiêu chí tại các xã duy trì và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, cụ thể một số nội dung chủ yếu như: đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; ứng trước kinh phí, hoặc huy động các tổ chức, cộng đồng, cá nhân tự thực hiện việc đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn; đầu tư mới các công trình điện…
Lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, cử tri nêu theo khoản 24 Điều 2, Luật Lâm nghiệp 2017, “Cộng đồng dân cư” bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, điểm dân cư tương tự và có cùng phong tục, tập quán, vậy đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ về cộng đồng dân cư theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; đề nghị bổ sung thêm quy định về phạm vi lấy ý kiến đối với từng loại quy hoạch vào Mục 7 “Lấy ý kiến về quy hoạch đô thị và nông thôn”.
Lĩnh vực lao động – xã hội, chính sách việc làm, cử tri đề nghị bổ sung Trung tâm Giáo dục nghề nghề – Giáo dục thường xuyên thuộc đối tượng thụ hưởng nội dung: Hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang – thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, để các địa phương triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề cho người lao động được nâng cao chất lượng, hiệu quả; điều chỉnh mức hỗ trợ cho các đối tượng tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng…
Hiện nay, mức chuẩn trợ cấp xã hội so với tiền lương cơ sở thấp hơn rất nhiều, không đảm bảo được nhu cầu thiết yếu của đối tượng bảo trợ xã hội, đề nghị nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng từ 360.000 đồng lên mức 500.000 đồng. Dự kiến đến hết năm 2023 thực hiện chi trả 100% chế độ trợ cấp hàng tháng và các loại trợ cấp khác cho đối tượng bảo trợ xã hội qua tài khoản, đề nghị làm rõ Ngân hàng Chính sách xã hội – đơn vị nhận cung cấp dịch vụ thanh toán trợ giúp xã hội qua thẻ và app giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội có được nhận thanh toán tiền phí hay không? Đối tượng mở tài khoản để nhận trợ cấp phải có kinh phí duy trì tài khoản và phí dịch vụ bảo trì thẻ, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí này, nếu không quy định rõ chi trả phí cho đơn vị nhận dịch vụ chi trả…
Lĩnh vực tài nguyên, môi trường, cử tri cho biết hiện nay các xã vùng cao thường xuyên xảy ra tranh chấp nguồn nước, tuy nhiên, chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể cách giải quyết, đề nghị Quốc hội bổ sung và quy định cụ thể hơn về nội dung và cách giải quyết đối với nội dung này; đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ sửa đổi Khoản 1 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP cho phù hợp với Điều 20, Điều 21, Điều 22 của Nghị định 43/2014 hướng dẫn thi hành chi tiết Điều 101 của Luật Đất đai 2013 cho phép công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp xây dựng công nhận trước ngày 1/7/2014.
Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời, giải đáp các nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các ý kiến đều chất lượng, cụ thể và tập trung.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu đã giải đáp từng ý kiến, các nhóm vấn đề của cử tri nêu, cho rằng ý kiến, kiến nghị của cử tri thể hiện tâm tư, trách nhiệm, một số vấn đề phù hợp với thực tế đặt ra. Đồng chí khẳng định thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm, cân đối ngân sách ưu tiên cho việc xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình điện, trường bán trú… trên địa bàn.
Đối với những tâm tư, nguyện vọng của cử tri vượt phạm vi, thẩm quyền Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp tục tổng hợp, đề xuất, kiến nghị Trung ương xem, nghiên cứu, giải quyết và trả lời cử tri thông qua các kênh khác nhau.