Trong dòng chảy hàng nghìn năm của lịch sử dân tộc, người Việt Nam luôn mang trong mình niềm tự hào là một dân tộc kiên cường, bất khuất, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng đất nước mạnh giàu. Sức mạnh to lớn ấy được tạo nên bởi tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để khơi dậy và tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó trong thời kỳ mới, nhằm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu đẹp, văn minh, ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hòa chung không khí của “ngày hội của toàn dân”, 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc cùng đồng bào các dân tộc Lào Cai đoàn kết một lòng, chung tay vượt qua muôn vàn khó khăn, đưa Lào Cai từ một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước trở thành “cánh chim đầu đàn” của khu vực Tây Bắc như ngày hôm nay.
Lào Cai, mảnh đất biên giới, “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, cũng là nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc. Nhìn lại những trang sử ấy, không tự hào sao được khi cách đây 73 năm, ngày 1/11/1950, quân và dân Lào Cai đã làm nên những chiến thắng vang dội, giải phóng Lào Cai khỏi ách áp bức của thực dân, phong kiến, mở ra bước ngoặt lớn trong trang sử của tỉnh. Sau thắng lợi đó, Lào Cai tiếp tục đoàn kết, chung tay cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ biên giới khi kẻ thù phương Bắc xâm lược tháng 2/1979, giữ vững “phên dậu” của Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ đất nước đổi mới, đặc biệt từ năm 1991, khi tỉnh Lào Cai được tái lập, đồng bào các dân tộc Lào Cai phải đối diện với nhiều thách thức. Lào Cai khi đó là một trong những tỉnh nghèo nhất trên cả nước, thu ngân sách chỉ đạt 36 tỷ đồng, 14 xã “trắng” về giáo dục, nhiều xã vùng cao chưa có điện, đường, trường, trạm y tế… Vậy mà chỉ hơn 30 năm sau, Lào Cai với những bước bứt phá ngoạn mục, vươn mình trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Từ nhiều năm qua, Lào Cai đã có 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã, có trường, lớp học kiên cố, internet; trên 99% thôn có điện lưới quốc gia; trên 94,3% hộ có điện sinh hoạt, sản xuất; trên 95% hộ được xem truyền hình; GRDP bình quân năm 2022 là 88,19 triệu đồng/người, tăng khoảng 30 lần so với năm 2003…
Theo đồng chí Giàng Seo Vần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, bài học kinh nghiệm vô cùng quý mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai đúc kết lại sau chặng đường ấy không gì khác là phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Trong suốt bao năm qua, ủy ban MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở là đầu mối của khối đại đoàn kết toàn dân, cùng cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân các dân tộc đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, ra sức thi đua, chung tay xây dựng mảnh đất biên cương ngày càng giàu đẹp.
Trong 20 năm qua, ủy ban MTTQ Việt Nam 3 cấp thông qua Quỹ “Vì người nghèo” đã vận động được hơn 160 tỷ đồng, hỗ trợ làm mới, sửa chữa 14.000 nhà Đại đoàn kết, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 109 tỷ đồng… Tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức hằng năm, MTTQ Việt Nam các cấp đã trích Quỹ “Vì người nghèo” tặng hàng chục nghìn suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó, học giỏi. MTTQ phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động bố trí sắp xếp nơi ở ổn định cuộc sống cho 13.033 hộ, trong đó: 7.434 hộ sắp xếp, bố trí vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai; 4.964 hộ sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn và 635 hộ sắp xếp ra biên giới. Bên cạnh đó, Quỹ Cứu trợ các cấp đã vận động ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, sự cố nghiêm trọng xảy ra trong tỉnh và ủng hộ đồng bào miền Trung, các tỉnh phía Bắc với tổng số tiền 21 tỷ đồng.
Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân toàn tỉnh ủng hộ 1.236 tỷ đồng, gồm tiền, hiến đất, ngày công lao động… Nhờ đó, đến nay, Lào Cai có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…
Tinh thần đoàn kết các dân tộc Lào Cai còn được thể hiện ở việc thành lập các tổ tự quản đường biên, mốc giới; duy trì hiệu quả các mô hình tổ chức quần chúng tự quản về an ninh, trật tự, nhiều mô hình được Bộ Công an ghi nhận và lấy làm điểm mô hình kinh nghiệm toàn quốc. Năm 2023, toàn tỉnh có 80 tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vì có nhiều đóng góp trong 20 năm thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (2003 – 2023).
Trong 20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các thôn, bản, khu dân cư vào tháng 11 hằng năm với nhiều ý nghĩa thiết thực đã trở thành ngày hội của toàn dân. Trong ngày vui ấy, mỗi người dân Lào Cai lại nhớ đến lời dạy của Bác Hồ khi thăm Lào Cai cách đây 65 năm: “Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt”, “Đảng và Chính phủ rất mong đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta cố gắng thi đua làm cho tỉnh nhà ngày càng thêm phồn thịnh và sung sướng”. Những lời dặn dò ấy trở thành động lực to lớn để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Lào Cai tiếp tục đồng lòng, đoàn kết khắc phục khó khăn, tích cực thi đua, thực hiện khát vọng đưa Lào Cai vươn cao, vươn xa, xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” khu vực Tây Bắc.
Mới đây, dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ thăm Lào Cai, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chúc mừng thành tựu tỉnh Lào Cai đạt được, đồng thời đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc, cụ thể hóa lời dạy của Bác cho phù hợp với tình hình mới và điều kiện thực tế, gắn với thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tỉnh Lào Cai phải chủ động, sáng tạo hơn nữa, khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế để trở thành cực tăng trưởng của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; là trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ cửa khẩu, công nghiệp luyện kim, hóa chất, phát triển dược liệu của vùng và cả nước…