Năm 2023, Lào Cai phấn đấu trồng mới hơn 3.000 ha rừng sản xuất, hơn 2.000 ha rừng sau khai thác và hơn 2 triệu cây phân tán. Đến thời điểm này, diện tích rừng trồng mới đạt 89,8%, trồng rừng sau khai thác đạt hơn 50% kế hoạch. Hiện tại, tranh thủ thời tiết thuận lợi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ trồng rừng.
Tại huyện Văn Bàn, những năm gần đây, công tác phát triển rừng luôn vượt cao so với kế hoạch, trong đó năm 2022, huyện trồng mới hơn 1.800 ha rừng, vượt 25% kế hoạch. Năm 2023, huyện Văn Bàn có kế hoạch trồng mới 1.000 ha rừng. Với kinh nghiệm sẵn có, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chuẩn bị trồng rừng từ sớm; rà soát lại toàn bộ diện tích đất trồng rừng, tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống địa bàn hướng dẫn người dân xử lý thực bì, cuốc hố, chuẩn bị cây giống. Đến cuối tháng 10, toàn huyện trồng mới được hơn 650 ha, đạt hơn 65% kế hoạch, phấn đấu đến giữa tháng 12 hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm.
Ông Trần Công Tưởng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: Để kiểm soát chất lượng và đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, cán bộ kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc trồng rừng của các xã, thị trấn, hướng dẫn người dân trồng rừng theo đúng quy trình, kỹ thuật, nhờ đó tỷ lệ cây sống đạt cao. Huyện Văn Bàn phấn đấu diện tích rừng trồng mới năm nay vượt khoảng 10% so với kế hoạch giao.
Tại huyện Bát Xát, người dân đã trồng mới 339,9/800 ha rừng sản xuất, đạt 43% kế hoạch huyện giao và đạt 135% kế hoạch tỉnh giao (tỉnh giao 250 ha). Ông Bùi Quốc Túy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: Những năm gần đây, trồng rừng sản xuất tại huyện Bát Xát phát triển mạnh bởi nhiều hộ có thu nhập cao từ trồng rừng, người dân chủ động chuyển diện tích đất nương đồi trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng rừng.
Nhiều năm qua, trồng rừng kinh tế ở xã Phìn Ngan phát triển mạnh, hiện xã có hơn 2.000 ha rừng sản xuất. Trồng rừng đã giúp nhiều gia đình cải thiện cuộc sống, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Xã đang khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn để tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích.
Ông Vàng A Khé, Phó Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan cho biết: Xác định trồng rừng là một trong những thế mạnh kinh tế của địa phương nên ngay từ đầu năm, xã đã tuyên truyền các hộ chuẩn bị cây giống, đất, khi thời tiết thuận lợi sẽ trồng. Năm nay, xã có kế hoạch trồng mới hơn 90 ha rừng, đến nay đã trồng được 85 ha, phấn đấu từ nay đến cuối năm diện tích rừng trồng vượt khoảng 5 ha so với kế hoạch giao…
Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh trồng mới hơn 3.000 ha rừng sản xuất, hơn 2.000 ha rừng sau khai thác và hơn 2 triệu cây phân tán. Trên địa bàn tỉnh, các đơn vị, cơ sở sản xuất và người dân đã chuẩn bị hơn 40 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng. Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, lựa chọn loại cây trồng phù hợp, tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để trồng rừng. Các địa phương phân công cán bộ phụ trách cơ sở tăng cường giám sát việc trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng.
Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, một số địa phương đã đưa ra các giải pháp như kêu gọi, thu hút các cơ sở chế biến lâm sản xây dựng điểm thu mua, cơ sở chế biến tại các xã, thị trấn, tạo tâm lý ổn định cho người dân; tuyên truyền, vận động các cơ sở gieo ươm cây giống xây dựng vườn ươm tại các xã, cụm xã để thuận lợi trong việc vận chuyển, mua bán cây giống trồng rừng; mở các lớp tập huấn trồng rừng cho người dân các thôn vùng cao…