Ngày 3/11, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021”.
Hội thảo có sự tham dự của Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo các vụ, viện của Học viện, cùng lãnh đạo của 59 trường chính trị tỉnh, thành phố và 6 trường đào tạo cán bộ của các bộ, ngành. Hội thảo cũng được kết nối trực tuyến với sự tham dự của hàng trăm viên chức các trường chính trị trên toàn quốc.
Về phía tỉnh Lào Cai có Tiến sỹ Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ tham dự và phát biểu trực tiếp tại hội thảo.
Tính đến tháng 11/2023, toàn quốc đã có 6 trường chính trị đạt chuẩn mức 1, 60/63 trường đã được Thường trực Tỉnh uỷ phê duyệt đề án xây dựng trường chính trị chuẩn. Các đại biểu đều thống nhất việc Trung ương ban hành Quy định số 11 đã mang lại những chuyển biến tích cực, toàn diện cho các trường chính trị trong hơn hai năm qua. Hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học đã phát huy được khả năng, thế mạnh của các trường. Đã có 7 đề tài, 21 hội thảo khoa học cấp bộ, khu vực, 54 đề tài và 105 hội thảo khoa học cấp tỉnh được thực hiện trong hệ thống các trường chính trị. Nhiều trường đã chủ động rà soát, tập trung ban hành các quy định, quy chế phù hợp thực tế. đã có 31 trường đạt tỷ lệ từ 75% giảng viên trở lên trên tổng số cán bộ, viên chức.Số lượng cán bộ được cử đi nghiên cứu sinh là trên 100 lượt. Việc cử giảng viên đi học cao cấp lý luận chính trị cũng tăng lên rõ rệt. Hàng nghìn giảng viên được bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức kinh điển về chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các trường có xu hướng giảm các lớp đào tạo, tăng số lớp bồi dưỡng, chú trọng đa dạng hoá các loại hình bồi dưỡng, tăng tỷ lệ đào tạo trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung (tăng gần 2 lần so với trước đây). Kỷ cương, kỷ luật, văn hoá trường Đảng được củng cố và tăng cường. Nhiều trường được địa phương chú trọng đầu tư cơ sở vật chất tương xứng với vị thế, vai trò của một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đó, nhiệm vụ xây dựng trường chính trị chuẩn cũng còn những hạn chế nhất định như: nhiều trường có tỷ lệ giảng viên thấp, số giảng viên chính chưa nhiều; tỷ lệ các lớp tập trung còn chênh lệch khá cao so với các lớp vừa làm vừa học. Số lượng đề tài khoa học cấp tỉnh chưa nhiều, thậm chí có trường chưa được giao đề tài khoa học. Đặc biệt việc nghiên cứu tư vấn chính sách cho địa phương còn yếu.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai nêu: Ngay sau khi có Quy định số 11, Tỉnh uỷ Lào Cai đã tập trung chỉ đạo Trường Chính trị tỉnh rà soát, đặt ra mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 vào tháng 10/2022, phấn đấu đạt chuẩn mức 2 vào năm 2025. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn của tỉnh Lào Cai. Tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách về đội ngũ cán bộ, về cơ sở vật chất và có cơ chế phù hợp đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị. Với sự thống nhất cao về nhận thức, kịp thời trong điều hành, chỉ đạo, phân công, phân nhiệm, phối hợp đồng bộ, thường xuyên cho các ngành, kịp thời kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhắc nhở, tỉnh Lào Cai đã hoàn thành công tác xây dựng trường chính trị đạt chuẩn đầu tiên trên cả nước vào tháng 11/2022. Nhiệm vụ tiếp theo là phải duy trì các tiêu chuẩn của mức 1, rà soát và có kế hoạch, lộ trình cụ thể, bố trí nguồn lực phù hợp để phấn đấu đạt chuẩn mức 2 như Đề án 21-Đa/TU về phát triển Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Phúc Lâm khẳng định: Nhiệm vụ xây dựng trường chính trị đạt chuẩn không phải là việc làm của riêng nhà trường mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong triển khai, tổ chức thực hiện, trường chính trị cấp tỉnh cần phải đánh giá đúng thực chất, rà soát kỹ lưỡng, thống kê định lượng các tiêu chí, chỉ tiêu “đạt”, “chưa đạt” chuẩn. Từ đó, xây dựng mục tiêu, kế hoạch phấn đấu với lộ trình các bước cụ thể, phân công, phân nhiệm, xây dựng kế hoạch, phối hợp đồng bộ, thống nhất. Thường xuyên, kịp thời kiểm tra, giám sát trong thực hiện từng tiêu chí. Để thành công cần nỗ lực không chỉ của mỗi trường mà còn cần sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều cơ quan đơn vị; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các bộ ban ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh triển khai Quy định tiêu chí trường chính trị chuẩn và hướng dẫn quy trình, tham gia thẩm định, công nhận trường chính trị chuẩn.