Sáng 3/11, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và BizLIVE phối hợp tổ chức Hội thảo thường niên “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam”. Hội thảo đánh giá tổng quan thị trường lúa gạo, dự báo năm 2024.
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu gạo ĐBSCL.
Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo; tiếp cận nguồn vốn hiệu quả cho ngành lúa gạo.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Còn theo VFA, tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo tấm 5% của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, của Thái Lan giá 560 USD/tấn và của Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo tấm 25% của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, của Thái Lan giá 520 USD/tấn và của Pakistan giá 488 USD/tấn.
Giá lúa, gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng đã dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều nên đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu. Đối với những trường hợp là doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác, họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.
“Giá gạo tăng “nóng” còn do các nhà cung ứng tác động, mỗi khi giá gạo nhích lên một chút thì họ góp phần đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Cần nói thêm, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác”, ông Đỗ Hà Nam cho biết thêm.
Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế – vì khi giá cao khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã dành nhiều thời gian để bàn về giải pháp công nghệ và vốn cho ngành lúa gạo. Theo chuyên gia lĩnh vực công nghệ, để giữ cho chất lượng hạt lúa vẫn tươi mới, thơm ngon không bị mất phẩm chất từ khi thu hoạch đến đến tay người tiêu dùng không có giải pháp nào ngoài việc áp dụng công nghệ, vì trên thực tế, các yếu tố cấu thành để nâng cao thu nhập của nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi lúa gạo không còn nhiều “dư địa”.
Theo các chuyên gia về lúa gạo, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 có khả năng đạt 8 triệu tấn. Đây được xem là kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro như năm nay: ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn. Để có thể kinh doanh xuất khẩu trong năm 2024 tốt hơn, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa, vì nguồn cung hạn hẹp, cộng với vốn tín dụng khó khăn.