Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội
Báo cáo kết quả thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 2 năm triển khai cho thấy việc ban hành Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19. Nghị quyết được ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cổ vũ tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và bổ sung một nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước, các nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch bệnh, đã được sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân, thành phần kinh tế.
Căn cứ Nghị quyết số 43, Chính phủ đã xây dựng, ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 nhằm triển khai, thể chế hóa các quyết sách được Quốc hội quyết nghị. Tuy nhiên, một số chính sách đã hết thời gian thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực nhưng cần tiếp tục triển khai; một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển còn chậm, có khả năng không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Báo cáo kết quả thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, đã giảm 2% thuế giá trị gia tăng. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo số liệu việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch COVID-19. Về chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đến cuối tháng 8/2023, số tiền hỗ trợ lãi suất tương đương khoảng 1,95% nguồn lực được Quốc hội quyết định, dư nợ đạt gần 57.000 tỷ đồng cho trên 2.100 khách hàng.
Bên cạnh đó, tính đến hết tháng 9/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân tín dụng ưu đãi đạt hơn 21.000 tỷ đồng cho trên 366.000 lượt khách hàng; đã giải ngân khoảng 3.679 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 128.746 lượt người sử dụng lao động và gần 5,2 triệu lượt lao động. Chính phủ cũng đã xây dựng danh mục và mức vốn bố trí cho các nhiệm vụ, dự án phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng bố trí vốn; khẩn trương, nỗ lực hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình trong thời gian ngắn, kể cả các dự án quan trọng quốc gia, quy mô lớn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, địa phương. Đồng thời, Chính phủ phân bổ chi tiết hơn 166.000 tỷ đồng vốn Chương trình trong kế hoạch các năm 2022, 2023, góp phần đẩy nhanh việc khởi công xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đường cao tốc, cầu khẩu độ lớn…
Cùng với kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến việc một số văn bản ban hành triển khai chính sách thuộc Chương trình còn chậm so với yêu cầu đề ra; công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai. Việc thực hiện và giải ngân một số chính sách đã được ban hành còn thấp so với quy mô nguồn lực được giao. Các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ và thời điểm triển khai còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt.
Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43. Về sử dụng số vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 còn dư sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung đối tượng vào Nghị quyết số 43 và bố trí số vốn gần 3.000 tỷ đồng còn dư sau khi thực hiện chính sách nêu trên cho 5 dự án thuộc ngành Y tế…
Tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự tham gia vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa các chính sách theo yêu cầu tại Nghị quyết số 43, tổ chức phối hợp, thực hiện và hoàn thành khối lượng lớn công việc, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Các chính sách triển khai thực hiện đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đóng góp quan trọng trong các kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 và 2023, đưa đất nước ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Kết quả thực hiện các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã có tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; trong đó một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đạt 94,6% kế hoạch, chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đạt 90% kế hoạch và hiện đã được Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (Nghị quyết số 101/2023/QH15); chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đạt 54,55% hạn mức tối đa.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc không hoặc chậm triển khai chính sách, kết quả thấp, không khả thi và đánh giá tác động tới kết quả, hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (Chương trình). Chính phủ cần bổ sung phân tích những khó khăn, vướng mắc, đánh giá khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện giải ngân chậm các gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa; cần đánh giá việc bám sát thực tiễn trong công tác dự báo, tính toán nhu cầu, trình tự thủ tục hỗ trợ trước khi ban hành chính sách; bổ sung đánh giá việc triển khai các chính sách chậm tác động tới đối tượng thụ hưởng và hiệu quả tổng thể của Chương trình; bổ sung đánh giá tác động và có quan điểm đối với việc gia hạn tiếp chính sách.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 thấp, giải ngân vốn của Chương trình chậm, đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này. Ủy ban Kinh tế thống nhất về chủ trương cho phép trình Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024; đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tối đa việc điều hòa vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.