Thời điểm tháng 9 hằng năm, trên những chân ruộng lúa 1 vụ sau khi thu hoạch, người dân xã Quang Kim đã trồng thử nghiệm hoa cúc chi. Từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia và doanh nghiệp, người dân được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch. Trong quá trình thử nghiệm, người dân phải tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ tuần hoàn để đảm bảo năng suất và sản lượng cho cây trồng.
Ông Sí Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát nói: “Chúng tôi đánh giá phù hợp với ruộng 1 vụ vùng cao. Trồng từ tháng 9 năm trước thu hoạch đến tháng 4 năm sau và tiếp tục từ tháng 4 đến tháng 9 cấy lúa. Như vậy là được 2 vụ, đảm bảo quy trình sản xuất kép kín theo tiêu chuẩn hữu cơ”.
Chị Chảo Sử Mẩy, thôn Làng Hang, xã Quang Kim, huyện Bát Xát chia sẻ: “Hôm nay tôi đến thăm mô hình, các hộ trồng cây cúc chi rất là tốt, phù hợp với khí hậu”.
Người dân xã Quang Kim đã trồng thử nghiệm hoa cúc chi.
Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cây ít sâu bệnh, trung bình mỗi ha hoa cúc chi cho thu hoạch trên 3 tấn hoa tươi. Hiện giá thu mua hoa trên thị trường là 40.000 đồng/kg, trừ đi chi phí sẽ mang lại thu nhập từ 90 đến 100 triệu đồng/vụ.
Ông Phạm Trần Quyết, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Lộc Phú Hưng cho biết: “Tiếp tục thử nghiệm các mô hình trên các nhóm cây trồng mang đặc hữu của địa phương, để hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đảm bảo chất lượng, gia tăng giá trị, niềm tin người tiêu dùng, gia tăng kinh tế, tăng thu nhập cho bà con nông dân; tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, là hướng đi mới trong tương lai”.
Sản phẩm từ hoa cúc chi.
Mô hình trồng thử nghiệm hoa cúc chi ở Bát Xát bước đầu đã mở ra triển vọng nâng cao thu nhập, nâng cao giá trị trên 1 ha đất canh tác, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Thế Long – Thành Thuận