Gặp anh Phạm Quang Thận, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chè Bản Liền, anh chia sẻ: “Tôi sinh ra ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Lần đầu đặt chân tới Bản Liền vào năm 2006 (đó cũng là lúc HTX chè Bản Liền ra đời), các căn nhà trên bản làng hầu hết chỉ làm bằng tranh tre vách đất, xiêu vẹo. Những điều này đã thôi thúc tôi phải tìm cách phát triển kinh tế cho người dân, nên tôi quyết định gắn bó với mảnh đất này”.
Tại thời điểm đó, Bản Liền chưa có chợ, chưa có điện lưới quốc gia; 100% dân cư là người DTTS, có trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu. “Tuy bà con gọi tôi là cán bộ, nhưng họ không tin lời tôi nói. Tôi đi vẽ sơ đồ vùng lúa và vùng chè, bà con ngăn cản vì sợ tôi thu ruộng của họ. Tôi vận động bà con tham gia các tổ nhóm hợp tác, bà con không chịu vì sợ phải nộp nhiều tiền. Tôi đã phải xin đến ở tại nhà ông chủ nhiệm cũ để tạo niềm tin cho bà con. Tôi đưa vợ con lên, xin đất để canh tác, cả gia đình cùng trồng chè. Dần dần tôi tạo được niềm tin với bà con”, anh Thận nói.
Năm 2009, anh Thận được bà con tín nhiệm bầu làm Chủ tịch HTX Chè Bản Liền. Với nhiệm vụ mới, được toàn quyền điều hành HTX Chè Bản Liền, anh Thận đã chủ động làm các thủ tục đăng ký sản phẩm hữu cơ và tham gia tổ chức thương mại công bằng đối với sản phẩm chè Shan của HTX Chè Bản Liền. Đến nay, HTX Chè Bản Liền đã quy tụ được 430 thành viên là các hộ xã viên tham gia trực tiếp vào quá trình trồng chè hữu cơ.
Hiện, 90% sản lượng chè được sản xuất tại HTX Bản Liền được xuất khẩu sang châu Âu (EU), Mỹ, Canada… 8 tháng đầu năm nay đã xuất khẩu được hơn 50 tấn chè, với giá xuất khẩu bình quân lên tới 100.000USD/tấn. Trong đó, các sản phẩm chè phổ nhĩ, chè đen, búp hồng, búp trắng có giá bán cao nhất. Trong 3 năm qua sản lượng xuất khẩu của chè Bản Liền tăng trung bình 10 -15%/năm. Giá cả trung bình dao động từ 16 – 22 ngàn đồng/kg đã giúp các thành viên trong HTX có thu nhập ổn định.
Nằm cách trung tâm huyện Bắc Hà gần 30 km, xã Bản Liền có khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thích hợp để trồng chè. Cây chè Bản Liền được trồng lâu đời ở các thôn Đội 1, 2, 3, 4 trong vùng chè với tổng diện tích cây chè hiện có gần 1.000ha, trong đó đã có trên 800ha chè hữu cơ.
Ông Vàng A Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho biết, chè Shan ở Bản được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên ở Lào Cai từ năm 2019. 5 năm qua, xã Bản Liền đã phối hợp với hợp tác xã chè hữu cơ Bản Liền tiến hành cải tạo, nâng cao chất lượng cây chè, xúc tiến xây dựng sản phẩm chè Shan tuyết hữu cơ, vận động Nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đội 4 là thôn xa nhất, cách trung tâm xã Bản Liền gần 7km trong địa phận rừng nguyên sinh. Đưa chúng tôi đi thăm thôn, Trưởng thôn Lâm A An cho biết, thôn có 41 hộ dân, với 207 nhân khẩu người dân tộc Tày. Hiện, thôn có hơn 80 ha chè Shan tuyết hữu cơ. Các hộ trồng chè trong thôn hầu hết đều là hội viên HTX chè Bản Liền.
Cây chè là cây chính đem lại nguồn thu giúp người dân thoát nghèo, có tiền của đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, người Tày Đội 4 đã tích cực hiến đất, đóng góp tiền của, công sức đổ bê tông xi măng tuyến từ trung tâm xã lên thôn dài 7 km, mỗi hộ đóng góp trên 7 triệu đồng, tổng đóng góp của người dân trong thôn gần 300 triệu đồng.
Gia đình anh Vàng A Bình là hộ tiêu biểu của thôn Đội 4 và xã Bản Liền trong phát triển mô hình du lịch homestay gắn với trồng chè hữu cơ… Đây cũng là hộ duy nhất trong thôn làm du lịch nông nghiệp. Hiện nhà anh có trên 12ha cây chè Shan, trong đó có 5ha chè cổ thụ từ 50 – 60 năm tuổi, cho thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng/năm từ trồng và thu hoạch chè.
Với sự đóng góp to lớn của HTX chè hữu cơ Bản Liền mà đứng đầu là Giám đốc Phạm Quang Thận, năm 2020, HTX đã vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen. Đó cũng là phần thưởng xứng đáng cho hành trình xây dựng thành công thương hiệu chè Shan tuyết Bản Liền, đưa cây chè thành cây chủ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào nơi đây.
Chát, ngọt những nương chè