Diện tích nương trồng ngô kém hiệu quả trước đây đã được gia đình chị Sủi chuyển đổi sang trồng 4.000 cây quýt sen. Mặc dù năm nay, do ảnh hưởng của thiên tai, sản lượng quýt giảm, nhưng nếu so với trồng ngô, thu nhập trên cùng 1 diện tích vẫn cao hơn nhiều.
Vườn quýt với hơn 4.000 cây của gia đình chị Sủi.
Chị Lù Dìn Sủi, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương chia sẻ: “Năm nay thu hoạch khoảng 11 – 12 tấn, kém hơn so với năm ngoái. Năm ngoái tầm 200 triệu, năm nay chỉ tầm 170 – 180 triệu”.
Ông Phạm Đăng Năm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương nói: “Hiện nay, trên địa bàn thị trấn có gần 300 ha quýt và có 286 ha đang cho thu hoạch. Bình quân hàng năm, chúng tôi thu hoạch khoảng 40 tỷ đồng tiền quýt. Từ cây quýt đã góp phần xóa đói, giảm nghèo rất bền vững cho người dân”.
Mường Khương đã chuyển đổi được gần 6.700 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng chủ lực, tiềm năng như: chè, chuối, dứa, ớt, quýt…
Với sự đồng hành, sâu sát của chính quyền địa phương, ngành chuyên môn trong tuyên truyền, vận động, nông dân Mường Khương đã mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đến nay, Mường Khương đã chuyển đổi được gần 6.700 ha diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng chủ lực, tiềm năng như: chè, chuối, dứa, ớt, quýt…
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương nói: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng bà con và doanh nghiệp, hướng dẫn người dân những kỹ thuật trồng, chăm sóc để tạo ra các sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của thị trường và tạo ra những sản phẩm đảm bảo an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn sang các thị trường xuất khẩu, để việc tiêu thụ của doanh nghiệp thuận lợi hơn, giá cao hơn”.
Ông Giàng Seo Vần, Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết: “Ưu tiên bố trí các nguồn lực của 3 Chương trình MTQG nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ dân. Trong đó, đặc biệt tập trung hỗ trợ các cây trồng chủ lực và cây tiềm năng của huyện. Tạo mọi điều kiện với tinh thần cao nhất, thời gian ngắn nhất để các doanh nghiệp đến với địa bàn Mường Khương đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Chỉ có làm vậy thì nông sản của người dân sản xuất ra được tiêu thụ với thị trường lớn hơn, rộng hơn”.
Tổng diện tích các cây trồng chủ lực, tiềm năng của Mường Khương đã đạt hơn 12.000 ha.
Hiện, tổng diện tích các cây trồng chủ lực, tiềm năng của Mường Khương đã đạt hơn 12.000 ha, tổng giá trị các sản phẩm chủ lực đạt hơn 1.300 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả huyện. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Quang Thuận