Trên 1 ha đất ruộng, ngoài diện tích trồng hoa hồng, mỗi năm chị Bùi Thị Đào xuống giống 7 – 8 vạn cây hoa cúc. Ngay sau đợt mưa lũ hồi đầu tháng 9/2024, gia đình chị Đào đã kịp cải tạo đất, xuống giống và tập trung chăm sóc hoa phục vụ thị trường tết Nguyên đán.
Chị Đào cho biết: “Trồng hoa bán vào dịp Tết mang lại lợi nhuận cao gấp đôi so với ngày thường. Gia đình cũng có khoảng hơn 2 vạn cây cúc để phục vụ thị trường Tết”.
Chị Đào chăm sóc hoa cúc để kịp phục vụ thị trường tết Nguyên đán 2025.
Theo chị Đào, trồng hoa mang lại nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và các loại rau màu khác. Tuy nhiên, người trồng cần phải có kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là phòng trừ sâu bệnh. Trồng xen canh, gối vụ có hoa bán ra thị trường quanh năm. Trung bình mỗi năm, gia đình chị Đào thu trên 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 đến 3 lao động.
Chị Đào cho biết thêm: “Hoa hồng giống chỉ cần đầu tư một lần là được thu từ 5 – 7 năm. Đối với hoa cúc, trồng khoảng 3 tháng là được thu hoạch; trong quá trình chăm sóc, thắp điện ở các luống hoa sẽ giúp dài cây hơn và hoa nở đúng thời vụ thu hoạch”.
Trồng hoa mang lại cho gia đình chị Đào nguồn thu nhập cao hơn.
Thoát được nghèo từ trồng hoa, chị Đào cũng sẵn sàng chia sẻ cùng chị em trong thôn, trong xã để nhân rộng, phát triển mô hình. Hiện, xã Cốc San đã hình thành được một tổ liên kết trồng hoa tại thôn An San, nhiều chị em cũng đã mạnh dạn thuê đất, trồng hoa nâng cao thu nhập.
Bà Lê Thị Thu, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cốc San, thành phố Lào Cai cho biết: “Mô hình trồng hoa của gia đình chị Đào là mô hình đầu tiên của xã Cốc San. Hiện, có nhiều người tìm đến học tập, làm theo. Việc liên kết, tham gia các tổ liên kết trồng hoa tạo công ăn việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho chị em phụ nữ”.
Mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, những hội viên phụ nữ vùng nông thôn của Lào Cai như chị Bùi Thị Đào đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình, xã hội, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo tại các địa phương.
Vân Anh – Ngọc Dương