Trước đây, chị Lý Thị Chấn ở thôn Đồi Gianh, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương chỉ trồng sắn trên mảnh nương của gia đình. Sang năm 2024, gia đình chị quyết định chuyển sang trồng chè. Được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng cầm tay chỉ việc nên chị Chấn rất tự tin sự chuyển đổi này sẽ đem lại cho gia đình nguồn thu nhập tốt hơn.
“Trồng sắn thu nhập bấp bênh, đất bạc màu nhanh, chỉ được 3 năm là phải bỏ đất. Bây giờ chuyển sang trồng chè, được hướng dẫn kỹ thuật nên tôi rất yên tâm”, chị Chấn cho biết.
Chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng chè, chị Chấn được hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây.
Lùng Vai là xã có diện tích chè lớn nhất huyện Mường Khương. Địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để trồng chè. Với gần 0,3 ha trồng cây mỡ cho giá trị kinh tế không như kỳ vọng, năm 2024, gia đình chị Tần Thị Huệ, ở thôn Na Lang, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương cũng đã thu hoạch toàn bộ diện tích để chuyển sang cây chè. Theo tính toán, nếu thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật, khoảng 4 đến 5 năm nữa, gia đình chị Huệ sẽ có khoản thu nhập ổn định từ diện tích trồng chè.
Chị Huệ chia sẻ: “Trồng chè thì được thu nhập đều hằng năm, hằng tháng, còn trồng cây khác thì lâu năm, trong thời gian đợi cũng không có thu nhập”.
Trồng chè mang lại thu nhập ổn định, nhiều hộ dân đã chuyển sang canh tác cây trồng này.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Mường Khương đã trồng mới được 396 ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 5.900 ha. Để đảm bảo diện tích trồng mới theo kế hoạch, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tổ chức rà soát quỹ đất, hướng dẫn Nhân dân triển khai phát dọn và làm đất; chuẩn bị cây giống để bà con trồng trong khung thời vụ.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết thêm: “Chúng tôi rà soát lại quỹ đất, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để năm 2025, chúng tôi sẽ đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết 10 mà tỉnh giao cho trong giai đoạn 2021 – 2025”.
Cây chè đã trở thành cây trồng chủ lực, giúp nhiều gia đình ở Mường Khương thoát nghèo.
Mường Khương xác định phát triển sản xuất cây chè hàng hóa gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững. Vì vậy, cùng với phấn đấu đến năm 2030 nâng tổng diện tích chè lên 7.200 ha, huyện cũng tập trung kêu gọi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp tục đầu tư, thu mua, xây dựng nhà máy để chế biến sâu sản phẩm chè, nâng cao giá trị kinh tế cây trồng chủ lực này.
Thế Long – Thành Thuận