Không phải vất vả nắng mưa, chỉ cần khéo léo và chăm chỉ, trung bình mỗi ngày, chị Hảng Thị Mỷ, thôn Tả Lủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương cũng có thể kiếm được 100.000 – 200.000 nghìn đồng nhờ nghề may. Mức thu nhập này không quá cao, nhưng tương đối đều, công việc lại chủ yếu tập trung vào dịp cuối năm, thời điểm bà con nhàn rỗi. Chị Mỷ cho biết: “Có thu nhập từ nghề may, mấy hôm nữa mình có tiền mà mua phân trồng ngô, trồng lúa. Bây giờ gia đình cũng đỡ vất vả hơn”.
Chị Mỷ may trang phục người Mông những lúc rảnh dỗi.
Cũng theo đuổi nghề may trang phục người Mông đã nhiều năm, gần đây, chị Hảng Thị Chủ, thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương đã mua thêm máy móc để mở rộng sản xuất, khi chồng chị quyết định sẽ không đi làm xa mà ở nhà làm nghề cùng vợ. Trung bình mỗi tháng, anh chị có nguồn thu trên dưới 15 triệu đồng từ nghề này.
Nghề may trang phục người Mông mang lại thu nhập cho bà con.
Anh Giàng Seo Xảo, thôn Máo Chóa Sủ, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương chia sẻ: “Nhà có người già, các con nhỏ đang đi học, tôi đi làm xa không yên tâm nên tôi chuyển sang làm nghề may trang phục người Mông. Cuộc sống đỡ khó khăn hơn về mọi mặt, cũng được tiền công mỗi ngày, lại lo được cho con cái”.
Từ một vài hộ ban đầu, đến nay, xã Tả Ngài Chồ đã có trên 60 hộ dân làm nghề may trang phục truyền thống người Mông. Nhu cầu thị trường rất lớn, giúp bà con có việc làm thường xuyên trong lúc nông nhàn. Thay vì đi bán trang phục nhỏ lẻ tại các chợ phiên như trước, hiện, bà con ở Tả Ngài Chồ còn nhận các đơn hàng từ các địa phương khác như Sơn La, Lai Châu…
Thêm sinh kế – Thêm cơ hội thoát nghèo.
Ông Giàng Sín Phủ, Bí thư Đảng ủy xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương nhấn mạnh: “Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền vận động, đề xuất hỗ trợ cho người dân phát huy một số nghề truyền thống trên địa bàn để dần thay đổi suy nghĩ của bà con, không chỉ tập trung vào cây ngô, cây lúa”.
Để xoá đói giảm nghèo một cách bền vững, cơ bản nhất vẫn là tạo công ăn việc làm cho người lao động, để họ có thu nhập ổn định, trên cơ sở điều kiện thực tế và tiềm năng sẵn có của địa phương. Đây cũng là hướng giải quyết cho bài toán giảm nghèo ở vùng lõi nghèo như Tả Ngài Chồ. Thêm sinh kế lúc nông nhàn là thêm cơ hội cho bà con cải thiện cuộc sống, phấn đấu thoát nghèo.
Thu Hường – Nông Quý