Triển khai từ đầu tháng 5 tại thôn Kin Chu Phìn, mô hình cà chua trái vụ ứng dụng công nghệ cao của cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Tuấn Nam được sự hỗ trợ tối đa của cấp ủy, chính quyền xã Sàng Ma Sáo. Ký hợp đồng thuê 1,5 ha đất ruộng của người dân, đơn vị đã xây dựng hệ thống nhà màng và công nghệ tưới tiêu nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ cho cây cà chua. Sau gần 6 tháng trồng và chăm sóc, mô hình đã cho thu hoạch 100 tấn quả và dự kiến cả vụ sẽ đạt khoảng 115 tấn. Toàn bộ sản lượng xuất bán về Hà Nội với giá bình quân khoảng 30.000 đồng/kg.
Chủ cơ sở sản xuất – ông Nguyễn Tuấn Nam cho biết: “Quả cà chua trồng ở đất Bát Xát đặc ruột, nhiều bột, người tiêu dùng rất thích. Chúng tôi có kế hoạch sang năm 2025 sẽ mở rộng diện tích lên gấp đôi”.
Mô hình trồng cà chua trái vụ ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát đã mang lại hiệu quả bước đầu.
Thời vụ cao điểm, ngoài 6 lao động chính, chủ cơ sở phải thuê khoảng 30 lao động hái cà chua với mức 200.000 đồng/người/ngày. Mô hình không chỉ đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn tạo việc làm cho nhiều hộ nghèo của xã.
Ông Vương Mạnh Phú, Bí thư Đảng ủy xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát cho biết thêm: “Các doanh nghiệp vào làm sẽ thay đổi nhận thức của bà con. Việc sản xuất cây rau trái vụ cũng như rau vụ đông, từ trước đến nay làm toàn thất bại, nhưng khi doanh nghiệp vào làm, bà con nhìn thấy kết quả thì rất phấn khởi”.
Mô hình đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Vụ sản xuất 2025, cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Tuấn Nam sẽ xây dựng mã QR cho sản phẩm cà chua sạch, trồng thêm bắp cải, su hào và một số loại cây thuốc nam. Chính quyền địa phương kỳ vọng sự vào cuộc của doanh nghiệp sẽ giúp gần 860 hộ dân Sàng Ma Sáo hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị, từng bước nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
An Hồng – Quang Ánh