Từ đầu năm nay, nhiều trường học tại huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) phải tạm dừng một số môn học vì thiếu giáo viên dạy. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lang Chánh cho biết, dù tỉnh giao chỉ tiêu tuyển giáo viên để khắc phục tình trạng này và huyện cũng đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, không có mấy người đến nộp hồ sơ. Tính đến năm học này, toàn huyện còn thiếu 92 biên chế so với số lượng tỉnh giao.
Không chỉ huyện Lang Chánh, các huyện miền núi khác tại Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát… cũng chung thực trạng khó tìm nguồn tuyển.
Trước thực trạng này, nhiều độc giả VietNamNet cho rằng việc thiếu giáo viên tập trung ở các huyện lẻ, vùng sâu, vùng xa. Không nhiều người chấp nhận việc được điều động đến những vùng khó, trong khi nơi thiếu lại không có nguồn lực để kêu gọi và khuyến khích giáo viên về phục vụ sự nghiệp giáo dục.
“Vậy ‘giáo viên ra trường không xin được việc’ có chịu về công tác ở những nơi đó không? Ai cũng muốn đến nơi phát triển kinh tế để công tác, bám trụ tại các đô thị, như thế sẽ rất khó xin việc”, một độc giả bình luận.
Để giải quyết điều này, độc giả “hiến kế” nên áp dụng cách thức giống như quân đội. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân sẽ được phân công về các địa phương đang thiếu giáo viên. Đó là nhiệm vụ, ai cũng phải chấp hành. Nếu không tuân thủ, người đó sẽ không được bất cứ nhà trường nào tuyển vào biên chế.
“Nếu có chính sách luân chuyển như bộ đội biên phòng thì các tỉnh miền núi cũng đỡ vất vả”, độc giả viết.
Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng, nên có một cơ quan độc lập tổ chức thi tuyển giáo viên, sau đó phân về các địa phương có nhu cầu. Việc tuyển dụng viên chức cần quản lý chặt chẽ như thi tốt nghiệp THPT, bảo mật giám khảo, giám thị, đề thi, địa điểm,… như vậy sẽ đẩy lùi tiêu cực và tuyển chọn được nhân tài.
“Như hiện nay, một số địa phương rất thiếu giáo viên nhưng để vào được, các ứng viên cũng phải trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê”, một độc giả bày tỏ.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng nhiều địa phương “than” thiếu giáo viên, nhưng thực tế không thấy bất cứ thông tin tuyển dụng nào được công khai hoặc khi ứng viên hỏi, lãnh đạo lại nói “đã đủ”.
Vì thế, theo một số độc giả, các tỉnh, thành cần công khai thống kê chi tiết, minh bạch số chỉ tiêu giáo viên đang thiếu của từng trường, ở các môn học nào, để những người có nguyện vọng biết tới và nộp hồ sơ.
“Như vậy sẽ không lo những chuyện tiêu cực như ‘chạy’ suất làm giáo viên. Những sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp cũng muốn quay trở về quê hương cống hiến chứ không phải xa quê và làm trái ngành”.
Bên cạnh đó, theo độc giả, một lý do khác khiến việc tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn là do lương giáo viên hợp đồng “không đủ sống”, nhưng để được vào biên chế cũng rất khó khăn.
“Trong khi các doanh nghiệp lương cao chỉ cần thử việc 2-3 tháng, giáo viên muốn chờ vào biên chế để theo nghề lại rất khó và không biết phải chờ đợi đến bao giờ. Không ai chỉ ‘đi làm vì đam mê’ cả, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa”, độc giả Trần Nguyên viết.
Khi giáo viên miền xuôi không “mặn mà” lên vùng khó, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương miền núi cần có chính sách đặc biệt với giáo viên, tài trợ cho sinh viên địa phương đi học sư phạm rồi quay trở về quê hương công tác. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ cũng cần tạo động lực cả về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút họ.
“Nếu có chính sách đủ khuyến khích, đảm bảo thu nhập cho thầy cô, tôi tin các thầy cô sẽ rất sẵn lòng quay trở về hoặc đi tới vùng miền khó khăn để cống hiến”, độc giả viết.
Không tuyển được giáo viên, nhiều trường ở Thanh Hóa phải dừng một số môn họcTừ đầu năm học đến nay, nhiều trường ở các huyện miền núi Thanh Hóa vẫn chưa bố trí dạy được các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc do thiếu giáo viên.