Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTR
Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) khuyến nghị mua cổ phiếu Tổng CTCP Công trình Viettel (CTR), giá mục tiêu 137.000 đồng/cổ phiếu dựa trên luận điểm đầu tư: Doanh thu hạ tầng cho thuê tăng mạnh: Tính đến tháng 8/2024, CTR sở hữu 8.447 trạm BTS (+57% so với cùng kỳ), trong đó có 335 trạm dùng chung (+101% so với cùng kỳ), mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 21.975 trạm BTS, tương ứng gấp khoảng 3 lần so với hiện tại.
Trong tháng 9/2024, bão Yagi đã gây thiệt hại đáng kể đến cơ sở hạ tầng viễn thông ở miền Bắc bao gồm hơn 6.000 trạm BTS bị mất liên lạc/mất điện. CTR đã và đang tham gia khắc phục hậu quả do bão.
Mảng xây dựng được đánh giá là còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là mảng B2C. AAS kỳ vọng mảng xây dựng nhà ở sẽ dẫn dắt tăng trưởng nhờ lượng backlog lớn từ năm 2023 và lượng backlog mới ký kết trong năm 2024.
CTR đã ký một số hợp đồng/dự án xây dựng đáng chú ý trong 8 tháng đầu năm, như Khu đô thị Trung Minh B (188 tỷ đồng, TP. Hòa Bình), khu nghỉ dưỡng cao cấp bản Mòng (181 tỷ đồng, tỉnh Lào Cai), Khu đô thị Trung Minh A (158 tỷ đồng, TP. Hòa Bình) và Gem Sky World (68 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai).
Mảng vận hành khai thác vẫn là nòng cốt. Trong năm 2024, CTR đã mở rộng vận hành mạng băng rộng cố định tại tỉnh Mandalay, Myanmar. Trong năm 2023, CTR đã bắt đầu triển khai mảng này tại tỉnh Naypyidaw, Myanmar. Tuy nhiên, AAS vẫn thấy rủi ro chính trị đáng kể ở quốc gia này vì nội chiến (từ năm 2021) vẫn còn tồn tại. Hiện tại, thị trường nước ngoài đóng góp 20%-30% doanh thu cho mảng này.
Viettel trúng đấu giá khối băng tần vàng cho mạng 5G. Viettel trúng đấu giá khối băng tần 2.500 – 2.600MHz, đây là được coi là khối băng tần vàng của mảng 5G do hiệu quả hoạt động vượt trội hơn so với các khối băng tần khác, điều này giúp cho giá trị các trạm BTS trong tương lai của CTR sẽ ở mức cao hơn khi so với các nhà mạng sở hữu khối băng tần khác, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong mảng cho thuê trạm BTS.
Giá mục tiêu của HSG là 27.000 đồng/cổ phiếu
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), luận điểm đầu tư dành cho cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Thép Hoa Sen (HSG): định giá P/B FWD 2025 = 1.02x, tiệm cận với vùng định giá trung bình của HSG trong 1 chu kỳ thép (0.7x – 1.2x).
Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2025 (tăng 10 – 15% so với năm trước), dẫn dắt từ thị trường nội địa phục hồi nhờ thị trường Bất động sản quay trở lại, Bộ Công thương thông qua chính sách áp thuế CBPG tôn mạ lạnh, tôn mạ màu từ Trung Quốc.
Trong năm 2024, BSC dự báo HSG ghi nhận doanh thu thuần đạt 36.868 tỷ đồng (tăng trưởng 15%), lợi nhuận sau thuế – cổ đông thiểu số đạt 731 tỷ đồng (tăng 3.096 %), tương đương EPS FWD 2024 = 1.222 đồng/cổ phiếu, P/E FWD 2024 = 17.4x, P/B FWD 2024 = 1.1x với sản lượng 1,8 triệu tấn (tăng trưởng 28%), biên lợi nhuận gộp 11,2%.
Trong năm 2025, BSC dự báo HSG ghi nhận doanh thu thuần đạt 39.834 tỷ đồng (tăng trưởng 8%), lợi nhuận sau thuế – cổ đông thiểu số đạt 814 tỷ đồng (tăng trưởng 11%), tương đương EPS FWD 2025 = 1.360 đồng/cổ phiếu, P/E FWD 2024 = 15.7x, P/B FWD 2024 = 1.0x, với sản lượng 1,99 triệu tấn (tăng trưởng 10%), biên lợi nhuận gộp 11,2%.
BSC đánh giá tích cực trong tháng 10 và đưa ra mức giá mục tiêu cho HSG tại 27.000 đồng/cổ phiếu.
>> Nhận định chứng khoán 15/10: Thị trường có xu hướng rung lắc trên vùng 1.283 điểm
Nguồn: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/mot-so-co-phieu-can-quan-tam-ngay-1510-post1128371.vov