Chưa hết thời gian thu hoạch, nhưng gia đình anh Lù Văn Thòn đã thu được hơn 30 triệu đồng từ bán chè. Đây là điều mà gần chục năm về trước anh và một số người dân trong thôn không nghĩ tới, bởi khu đất này chỉ trồng sắn, ngô hoặc bỏ hoang. Thực hiện chủ trương sản xuất hàng hóa theo Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai, năm 2019, thôn Nấm Oọc đưa cây chè vào trồng, nhưng rất ít người tham gia. Với trách nhiệm của người đảng viên, Trưởng thôn Lù Văn Thòn cùng một số đảng viên khác tiên phong đưa cây chè vào trồng.
Trưởng thôn Lù Văn Thòn tiên phong đưa cây chè vào trồng (Áo đen).
Anh Lù Văn Thòn, Trưởng thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương chia sẻ: “Đến nay thì cây chè phát triển tương đối là tốt và hợp khí hậu. Gia đình xưa cũng khó khăn, giờ đây đã có thu nhập thêm, cải thiện tốt hơn”.
Lúc mới tham gia, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, sau này thấy có hiệu quả, anh Thòn tự chủ động mua cây giống về trồng và vận động bà con làm theo. Đến nay, gia đình anh đã có trên 2 ha chè, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi hơn 50 triệu đồng. Mô hình kinh tế được bà con cũng như cấp ủy thôn đánh giá cao.
Mô hình kinh tế trồng chè được bà con, cấp ủy thôn đánh giá cao.
Anh Vàng Văn Vùi, thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương chia sẻ: “Anh là người đi đầu trồng chè trước, xong anh lại vận động bà con trồng theo và bây giờ trong thôn cũng rất nhiều nhà trồng. Nhân dân phát triển kinh tế rất là nhiều”.
Ông Vàng Văn É, Bí thư Chi bộ thôn Nấm Oọc, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương cho biết: “Vài năm trở lại đây, thấy cây chè có thu nhập ổn định và anh trưởng thôn tiếp tục tuyên truyền trong cuộc họp cũng như các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đưa cây chè vào trồng”.
Hiệu quả kinh tế từ trồng chè của gia đình Trưởng thôn Lù Văn Thòn và các đảng viên trong thôn, nhiều hộ dân ở Nấm Oọc đã chuyển đổi sang trồng chè, mang lại thu nhập tốt cho bà con. Toàn thôn có 54 hộ, thì đã có tới 45 hộ tham gia trồng chè, với quy mô 30 ha. Cây trồng này đã góp phần đưa thu nhập bình quân của thôn đạt gần 28 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức trung bình toàn xã. Hiện Nấm Oọc còn 17 hộ nghèo, dự kiến năm nay con số này sẽ giảm một nửa khi cây chè cho nguồn thu khá tốt và ổn định./.
Việt Hùng – Thành Thuận