Doanh nghiệp lúng túng trong đăng ký mã số xuất khẩu nông sản
Thực tế này được bà Phan Thị Mến – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ Sutech nêu ra tại hội thảo hướng dẫn đăng ký DN XK thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc, được tổ chức tại tỉnh Lào Cai mới đây. Lệnh 248 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định về quản lý đăng ký DN của nước ngoài khi XK hàng nông sản làm thực phẩm vào thị trường này và Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo bà Mến, sau 2 năm thực hiện, nhiều DN vẫn lúng túng, loay hoay trong việc đáp ứng các yêu cầu và đăng ký mã số XK nông sản sang Trung Quốc theo quy định tại các lệnh 248 và 249.
“Tỉnh Lào Cai cũng thường xuyên rà soát kiểm tra và hướng dẫn các doanh nghiệp. Đồng thời các hợp tác xã hoàn thiện các điều kiện tiêu chuẩn và gửi văn bản đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói nông sản”.
Bà Cao Thị Hòa Bình – Chi Cục trưởng Chi cục
Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai
Dẫn chứng vấn đề này, bà Mến cho hay: “Năm vừa rồi chúng tôi tư vấn cho khoảng 500 DN XK sang thị trường Trung Quốc, trong quá trình đi tư vấn, có một DN XK rất lớn, doanh thu vài nghìn tỷ đồng/năm làm hồ sơ XK sang Trung Quốc nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu chỉ với lý do không chứng minh được nguồn nước mà DN sử dụng”. Theo bà, nếu DN cố tình không tuân thủ sẽ rất khó có thể tham gia vào “cuộc chơi” XK.
Nêu một số khó khăn trong việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bà Cao Thị Hòa Bình – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai cho biết, yêu cầu về tiêu chuẩn của nước nhập khẩu (Trung Quốc) đối với các mặt hàng nông sản ngày càng khắt khe, thường xuyên thay đổi gây khó khăn nhất định cho địa phương và DN XK trong quá trình cập nhật thông tin cũng như việc áp dụng thực hiện. Việc cấp mã số vùng trồng mới đi vào hoạt động, nên nhận thức của một số chủ thể còn hạn chế; công tác quản lý mã số vùng trồng còn khó khăn do chưa bố trí được kinh phí trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên, áp dụng công nghệ số đối với các vùng nguyên liệu.
Cần chuẩn hóa ngay từ đầu
Ngoài các yêu cầu từ việc đăng ký XK thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc theo Lệnh 248 và Lệnh 249, các DN Việt Nam hiện nay cũng phải tuân thủ các quy định khi tham gia Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 (gọi tắt là khối RCEP).
Trong đó, Trung Quốc là thị trường XK nông sản lớn nhất của Việt Nam trong khối này. Hiện, nước ta có 12 loại nông sản được phép XK sang Trung Quốc, trong đó các mặt hàng truyền thống gồm xoài, nhãn, vải, chôm chôm, mít và thanh long. Một số loại trái cây mới được phép XK trong những năm gần đây gồm măng cụt (2019), thạch đen (2020), sầu riêng, khoai lang (2022), chuối (2022), dưa hấu (2023) và dừa (2024). Chanh leo và ớt hiện đang được quy định tạm thời, trong khi các mặt hàng như quả có múi, dược liệu và trái cây đông lạnh đang tiếp tục đàm phán.
Theo ông Lương Ngọc Quang – đại diện Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật), thị trường Trung Quốc đang áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là các giao dịch hàng hóa theo hình thức tiểu ngạch. Để đảm bảo việc XK, các nhà XK cần đàm phán mở cửa cho từng loại sản phẩm riêng lẻ và ký kết lại nghị định thư XK đối với các loại quả truyền thống….
Theo ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, hiện nay DN XK vẫn chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Người sản xuất ở một số nơi còn sử dụng các loại thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn.. “Không còn cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu” – ông Nam nhấn mạnh.