Trên thực tế, 20.000 nhân viên an ninh tư nhân và 10.000 binh lính cũng được điều động nhằm tăng cường khả năng phòng chống và xử lý các tình huống tội phạm, khủng bố, cũng như các vấn đề trên không gian mạng.
Để bảo đảm an ninh cho quá trình tổ chức Thế vận hội, nhất là Lễ khai mạc Olympic 2024 diễn ra trong ngày 26/7 tới, khoảng 44.000 rào chắn được đặt tại các tuyến phố của Paris, nhằm tạo ra một khu vực kiểm soát an ninh dọc theo sông Seine, mà chỉ những người có giấy phép lưu thông bằng mã QR mới được phép đi vào.
Để có được giấy phép lưu thông trong khu vực kiểm soát an ninh, người dân cần phải chứng minh được trong hồ sơ đăng ký về các yếu tố hợp lý như cư dân sống trong khu vực, người làm việc trong khu vực, người có hẹn khám chữa bệnh với bác sĩ trong khu vực, người đặt dịch vụ lưu trú trong khu vực.
Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình France 2 ngày 21/7, Bộ trưởng Nội vụ pháp Gerald Darmanin cho biết, 4.340 hồ sơ đăng ký di chuyển trong khu vực cấm đã bị phát hiện đáng ngờ và bị từ chối. Trong số này có 257 người hồi giáo cực đoan, 285 thành viên của các nhóm tư tưởng cực tả và cực hữu.
Các ga tàu điện ngầm trong khu vực diễn ra các hoạt động Olympic và một vài điểm lân cận cũng buộc phải đóng cửa. Hàng trăm nhóm cảnh sát và hiến binh thường xuyên thay phiên nhau tuần tra dọc theo các tuyến phố.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh, việc tăng cường kiểm soát an ninh một cách chặt chẽ để có thể tổ chức suôn sẻ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, đồng thời bảo đảm cho “hình ảnh quốc gia của nước Pháp”.
Chia sẻ với báo Le Monde, cảnh sát trưởng thành phố Paris, ông Laurent Nunez bảo đảm rằng, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ, không có một mối đe dọa nào được ghi nhận trong giai đoạn này. Dù vậy, các lực lượng an ninh vẫn luôn luôn đề cao cảnh giác.
Theo Cơ quan an ninh mạng quốc gia của Pháp (ANSSI), rút kinh nghiệm từ Thế vận hội Tokyo 2021 với 450 triệu cuộc tấn công trên không gian mạng đã bị phát hiện, lực lượng an ninh mạng của Pháp bảo đảm mục tiêu phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với các cuộc tấn công, dù là những cuộc tranh luận tầm thường nhất để tránh trường hợp dẫn đến một phong trào đám đông tiêu cực.
Bên cạnh các lực lượng cảnh sát và hiến binh, 18.000 binh lính cũng được điều động trên toàn nước Pháp nhằm góp phần vào nỗ lực bảo đảm an ninh cho Thế vận hội 2024. Chỉ tính riêng vùng thủ đô Ile-de-France, con số này đã lên tới hơn 10.000 binh lính.
Trong khi cảnh sát và hiến binh chịu trách nhiệm kiểm soát quyền lưu thông của người dân tại các địa điểm “nhạy cảm nhất”, nhiệm vụ của quân đội là phải bảo đảm an ninh hàng không, chống máy bay không người lái, tuần tra và xử lý các vụ vi phạm tại khu vực vòng ngoài.
Theo thông tin từ Sở cảnh sát thành phố Paris, khoảng 1.750 thành viên của các lực lượng an ninh đến từ 40 quốc gia khác cũng được huy động tới Pháp trong mùa hè này. Tây Ban Nha là quốc gia tham gia nhiều nhất, với 360 nhân viên an ninh. Tiếp theo là Vương quốc Anh với 245 người và Đức với 161 người. Qatar cũng khẳng định sẽ hỗ trợ lực lượng an ninh Pháp với 105 nhân sự.
Bên cạnh đó, việc triển khai các công nghệ tiên tiến với tên gọi Technopolice, nhất là giám sát video bằng thuật toán (không bao gồm nhận dạng khuôn mặt), nhằm kịp thời phát hiện các hành vi “bất thường” đang được La Quadrature du Net xây dựng và nghiên cứu ứng dụng.
Thế vận hội Mùa hè 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8, tiếp theo là Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic 2024) từ ngày 28/8 đến 8/9.
Olympic 2024 sẽ khởi tranh bằng các trận đấu môn bóng đá nam, với các trận đấu thuộc vòng bảng từ ngày 24-31/7.