Giá hạt “giàu vị đắng” sắp phá vỡ mức đỉnh lịch sử, doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước “cơ hội vàng”; “vàng xanh” ghi nhận tăng trưởng 2 con số… là những tin xuất khẩu nổi bật từ 8-14/7.
Năm 2023 là năm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây đối với xuất khẩu cá tra, và CPTPP cũng không ngoại lệ. (Nguồn: Báo Hải quan) |
Một mặt hàng thủy sản tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP
Theo số liệu mới nhất của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt 12 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/6/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường này đạt 114 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sau 5 năm thực thi, FTA thế hệ mới này đã mở ra cơ hội cho xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP, là bước đà quan trọng để ngành thủy sản “cất cánh”, trong đó có cá tra.
Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2023, thế giới biến động phức tạp, các lệnh phong tỏa vì Covid-19, các lệnh cấm vận do chiến tranh, xung đột trên đường vận tải đã tạo ra nhiều thách thức cho cá tra Việt Nam đến gần hơn với các quốc gia trong khối CPTPP.
Năm 2023 là năm khó khăn nhất trong 10 năm trở lại đây đối với xuất khẩu cá tra, và CPTPP cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, so sánh với các thị trường khác, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang CPTPP vẫn ở mức chấp nhận được trong tình hình sụt giảm chung.
Năm 2023, 5 năm sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu cá tra sang Canada đạt 37 triệu USD, giảm 34% so với năm 2022, và giảm 22% so với năm 2018 – năm trước khi FTA có hiệu lực. Trước đó, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Canada đạt 56 triệu USD, tăng 17% so với năm 2018.
VASEP cho rằng, nông lâm thủy sản nói chung và xuất khẩu cá tra nói riêng là nhóm ngành khó đàm phán để đạt được cam kết mở cửa. Tuy nhiên, trong CPTPP các đối tác cơ bản xóa bỏ và cắt giảm thuế về 0% ngay khi FTA có hiệu lực với hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, bao gồm cả cá tra.
Năm 2024, khi lượng tồn kho do nhập khẩu ồ ạt vào năm 2022 đã dần cạn kiệt, xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục và khởi sắc ở 1 số thị trường, trong đó có khối thị trường CPTPP.
Khối thị trường này chủ yếu tiêu thụ phile cá tra đông lạnh từ Việt Nam. Số liệu Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sản phẩm này sang khối CPTPP đạt gần 89 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 87% tỷ trọng, và chiếm 15% trong tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm phile cá tra đông lạnh Việt Nam sang các thị trường. Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm cá tra khác sang khối CPTPP cũng ghi nhận tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nay.
Theo số liệu mới nhất của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt 12 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến ngày 15/6/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, Mexico là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam với giá trị 31 triệu USD, tăng 7%; Nhật Bản nhập khẩu 18 triệu USD, tăng 35%; Canada nhập khẩu 18 triệu USD, tăng 15%; Singapore nhập khẩu 16 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
VASEP dự báo, 6 tháng cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP dự kiến sẽ tiếp đà tăng của 6 tháng đầu năm khi giá cả và nhu cầu đang dần ổn định. Để đạt được kết quả này, các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu những lợi ích mà hiệp định này mang lại về mặt thuế quan để nắm bắt thời cơ, gia tăng xuất khẩu.
Trung Quốc thu mua rau quả nhiều nhất từ Việt Nam
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 27,8 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.
Còn theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng năm 2024, Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước… đứng vị trí thứ 2 về thị trường xuất khẩu.
Rau quả là một trong những mặt hàng được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường này. Thời điểm này đang là chính vụ thu hoạch sầu riêng. Tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 xe hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc, một nửa trong số đó là xe chở sầu riêng.
Hiện, sầu riêng Ri6 được các thương lái thu mua, xuất khẩu sang Trung Quốc với giá cao nhất là 60.000 đồng/kg, sầu riêng Monthong giá cao nhất là 92.000 đồng/kg, tức mỗi xe hàng xuất khẩu có giá trị từ 1,1 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu Lào Cai đạt trên 1,1 tỷ USD. Trong đó, phần lớn là xuất khẩu mặt hàng quả sầu riêng với trên 100 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 540 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Vina T&T Group – cho biết, nhu cầu về rau quả ở các thị trường hiện rất lớn. Sản phẩm của Việt Nam nếu thâm nhập vào được, đảm bảo sự ổn định về chất lượng sẽ có chỗ đứng. Điển hình như mặt hàng sầu riêng xuất sang Trung Quốc, đơn hàng của công ty tăng đột biến, với dự kiến xuất khẩu 2.500 tấn sầu riêng tươi trong năm nay.
Ông Nông Đức Lai – Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc – cho hay, theo số liệu công bố từ Hải quan Trung Quốc, thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc 5 tháng đầu năm tăng trưởng trên 20%. Đặc biệt, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc không chỉ có mức tăng trưởng cao, mà giữa các ngành hàng, sản phẩm đều có tăng trưởng cân bằng.
Trong đó, nông sản đang là mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ nhiều nhất. Hàng năm, nước này chi 230 tỉ USD để nhập khẩu nông sản, riêng trong 5 tháng đầu năm nay đã nhập gần 100 tỉ USD. Trong nhóm hàng nông sản có nhiều mặt hàng hàng năm Trung Quốc đều nhập khẩu trên 20 tỉ USD như trái cây, thủy hải sản, ngũ cốc (gạo)… Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Các doanh nghiệp phải tận dụng, khai thác tối đa thị trường tiềm năng này.
“Các sản phẩm và thực phẩm chế biến sẵn đang là một ngành hàng rất tiềm năng tại Trung Quốc và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Cụ thể, đối với mặt hàng thủy sản hiện nay, các doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu mặt hàng tươi sống mà nên đầu tư sản xuất các sản phẩm chế biến sẵn để đưa vào thị trường này”, ông Nông Đức Lai gợi mở.
Giá hạt “giàu vị đắng” sắp phá vỡ mức đỉnh lịch sử, doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước “cơ hội vàng”
Trong thời gian gần đây, giá cà phê Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh, dự báo sắp phá vỡ mức đỉnh lịch sử. Trạng thái này diễn ra trong bối cảnh giá cà phê thế giới cũng đang trải qua giai đoạn tăng sốc, tạo nên sự sôi động của thị trường cà phê toàn cầu.
Theo dữ liệu từ giacaphe.com, giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London đã tăng lên mức 2.600 USD/tấn vào tháng 6/2024, cao nhất trong vòng 12 năm qua. Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng tăng mạnh, đạt 2,50 USD/pound, mức cao nhất kể từ năm 2011.
Tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại các tỉnh Tây Nguyên hiện dao động từ 51.000 – 52.000 đồng/kg, chỉ còn cách mức đỉnh lịch sử năm 2011 không xa. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,02 triệu tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, mang về kim ngạch 2,24 tỷ USD.
Trên thị trường thế giới, phiên giao dịch ngày 10/7 tiếp tục chứng kiến đà tăng sốc của loại hạt “giàu vị đắng” này. Theo đó, ở sàn giao dịch London, giá cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tăng thêm 286 USD, lên mức 4.634 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 11/2024 cũng tăng 288 USD, lên ngưỡng 4.464 USD/tấn.
Trong thời gian gần đây, giá cà phê Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh, dự báo sắp phá vỡ mức đỉnh lịch sử. (Nguồn: VnExpress) |
Giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới chính thức vượt kỷ lục 4.530 USD/tấn ghi nhận hồi tháng 5 vừa qua. Còn giá cà phê nhân trong nước tiếp đà tăng mạnh, lên mức 128.000-129.000 đồng/kg tuỳ địa phương.
Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố hỗ trợ giá cà phê tăng cao, nhất là dòng Robusta mà Việt Nam có sản lượng top đầu thế giới. Nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu tăng do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR). Các nước sản xuất cà phê lớn như Brazil và Colombia đang phải đối mặt với hiện tượng thời tiết cực đoan như sương giá và hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng cà phê. Tình trạng khan hiếm nguồn cung từ các nước sản xuất lớn đã đẩy giá cà phê thế giới tăng cao.
Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ cà phê trên toàn cầu đã phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là từ các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu. Việc này đã tạo thêm áp lực lên nguồn cung cà phê, đẩy giá tăng cao hơn nữa.
Giá phân bón, lao động và chi phí vận chuyển đều tăng cao, góp phần đẩy giá cà phê lên. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nhỏ và trung bình, làm tăng giá thành sản phẩm cuối cùng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay, nước ta xuất khẩu gần 894.000 tấn cà phê nhân các loại, giá trị ước đạt 3,19 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu tuy giảm 11,4% nhưng giá trị lại tăng mạnh 33,2%.
Giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 6 đạt 4.489 USD/tấn, tăng 5% so với tháng 5 trước đó và tăng mạnh 67,3% so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, giá bình quân xuất khẩu loại hạt này của nước ta đạt 3.570 USD/tấn, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá cà phê Việt Nam đang có triển vọng sáng, nhưng đi kèm với đó là thách thức lớn về chất lượng và phát triển bền vững. Sự quan tâm và đầu tư đúng mức sẽ là yếu tố then chốt giúp ngành cà phê Việt Nam tiếp tục vươn xa trên thị trường quốc tế. Với những biến động mạnh mẽ trong giá cả và tình hình thị trường, việc nắm bắt cơ hội và ứng phó với thách thức sẽ quyết định sự thành công của ngành cà phê Việt Nam trong tương lai.
“Vàng xanh” ghi nhận tăng trưởng 2 con số
Được ví như “vàng xanh” của Việt Nam, chè không chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu chè của Việt Nam tháng 6/2024 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 32 triệu USD, tăng 58% về lượng và tăng 106,9% về trị giá so với tháng 5/2024; tăng 54,9% về lượng và tăng 86,4% về trị giá so với tháng 6/2023. Giá bình quân xuất khẩu chè tháng 6/2024 ước đạt 2.127,8 USD/tấn, tăng 20,3% so với tháng 6/2023.
Tính chung nửa đầu năm 2024, xuất khẩu chè ước đạt 61 nghìn tấn, trị giá 108 triệu USD, tăng 26,7% về lượng và tăng 32,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu chè ước đạt 1.759,9 USD/tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu 2 chủng loại chè chính tăng trưởng tích cực. Trong đó, dẫn đầu là chè xanh đạt 23,5 nghìn tấn, trị giá 44,6 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và tăng 43,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là chè đen đạt 20,7 nghìn tấn, trị giá 26,6 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu cả 2 chủng loại chè chính đều có xu hướng giảm nhẹ.
Ngược lại, xuất khẩu chè ướp hoa giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2024, đạt 741 tấn, trị giá 1,5 triệu USD, giảm 31,3% về lượng và giảm 31,4% về trị giá; xuất khẩu chè ô long đạt 319 tấn, trị giá 1,1 triệu USD, giảm 22,6% về lượng nhưng tăng 8,7% về trị giá. Về giá bình quân xuất khẩu, chủng loại chè ướp hoa đạt 1.985,9 USD/tấn, giảm 0,1%; trong khi giá chè ô long đạt 3.530,7 USD/tấn, tăng 40,4%…
Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam, Việt Nam hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc về sản lượng và xuất khẩu chè xanh. Về các thị trường, Pakistan là quốc gia nhập khẩu chè Việt Nam nhiều nhất.
Các sản phẩm từ cây chè của Việt Nam cũng ngày càng đa dạng, bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Việt Nam hiện có hơn 170 giống chè, hương vị đặc biệt, được thế giới ưa chuộng như: Chè sao lăn, chè xanh, chè ô long, chè Hương, chè thảo dược…