Trung tâm dữ liệu dự phòng là tập hợp các chính sách, công cụ và quy trình để cho phép khôi phục hoặc tiếp tục cơ sở hạ tầng và hệ thống công nghệ quan trọng sau thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra.
Hệ thống này còn bao gồm các kiến thức về mô hình, bảo mật, khả năng phục hồi sau sự cố và đảm bảo tính liên tục trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị Nhà nước trên địa bàn TP.HCM.
Việc triển khai trung tâm dữ liệu dự phòng hiện nay được xem là cấp thiết, chính vì thế, ngày 26/6 vừa qua, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo “Mô hình và phương án lựa chọn trung tâm dữ liệu dự phòng thành phố”, nhằm lắng nghe ý kiến và nghiên cứu, tìm kiếm, đề xuất các giải pháp xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu dự phòng của thành phố.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang trở thành nền tảng quan trọng cho mọi hoạt động của chính quyền và các tổ chức doanh nghiệp.
TP.HCM với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục hàng đầu của cả nước, cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hiện thành phố đã triển khai nhiều hệ thống, nền tảng số dùng chung phục vụ chuyển đổi số của các sở, ngành, quận, huyện và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng, dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng không thể phủ nhận vẫn còn nhiều rủi ro và thách thức lớn. Những nguy cơ từ thiên tai như lũ lụt, bão, động đất, các yếu tố rủi ro, hiểm họa từ con người như tin tặc đánh cắp dữ liệu, phá hoại hay tống tiền, hay các yếu tố về hạ tầng như hư hỏng thiết bị đều có thể gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng số của thành phố.
Các sự cố như hỏa hoạn, mất điện, lỗi phần mềm hay những cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi là những mối đe dọa trực tiếp và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của các cơ quan, đơn vị, người dân.
“Việc nghiên cứu, đề xuất triển khai một trung tâm dữ liệu dự phòng thành phố không chỉ là giải pháp mà còn là yêu cầu cấp thiết”, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cho biết.
Trung tâm dữ liệu dự phòng sẽ giúp thành phố đảm bảo sự liên tục trong hoạt động của các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung phục vụ cho hoạt động của chính quyền và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường số; đồng thời, nâng cao khả năng phục hồi sau thảm họa và bảo vệ dữ liệu quan trọng của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn thành phố.
Theo đại diện SVTech, việc sao lưu dữ liệu, hay thành lập trung tâm dữ liệu dự phòng là vô cùng quan trọng và cấp thiết. Đặc biệt, khi mối đe dọa lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là tấn công mạng ransomware.
Theo thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 13.750 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, gây ra sự cố và thiệt hại nghiêm trọng. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, số sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam là 2.323 cuộc.
“Khi việc ngăn chặn tấn công ransomware gần như là không thể thì sao lưu vẫn là biện pháp hỗ trợ tốt cho đơn vị, tổ chức khi bị tấn công”, đại diện SVTech nhấn mạnh.
Ủy viên Ban chấp hành VNISA phía Nam Trịnh Ngọc Minh cho rằng TP.HCM nên xây dựng hệ thống dữ liệu dự phòng chống được ransomware, để đảm bảo khả năng cung ứng dịch vụ công, an toàn an ninh mạng.