PV: Thưa Thứ trưởng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đánh dấu một mốc quan trọng của giáo dục phổ thông – đây là kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vậy có điều gì khác biệt của kỳ thi năm nay với những kỳ thi năm trước hay không?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng đối với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Về tính chất, quy mô, mục đích của kỳ thi thì không có gì thay đổi. Kỳ thi vẫn diễn ra trên phạm vi toàn quốc, chung đợt, chung kết quả với mục đích là để xét công nhận tốt nghiệp cho các em, cung cấp kết quả dữ liệu quan trọng để các cơ sở giáo dục Đại học, Cao đẳng xét tuyển sinh và là căn cứ để đánh giá công tác quản lý, công tác dạy học của các cơ sở giáo dục. Cuộc thi này, đợt thi này cũng được toàn xã hội quan tâm vì tính chất quan trọng của nó, cho nên cũng như các kỳ thi khác, Bộ GD&ĐT, Ban chỉ đạo của các tỉnh chỉ đạo một cách hết sức nghiêm túc công bằng, đúng quy chế, an toàn và thân thiện.
PV: Cho tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Để chuẩn bị cho công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong suốt thời gian qua, Bộ GD&ĐT và các địa phương, các Sở GD&ĐT đã thực hiện các công việc, hoạt động chuyên môn. Từ rất sớm, Bộ GD&ĐT đã rà soát, hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản bao gồm Quy chế, các văn bản hướng dẫn về chuyên môn, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cốt cán.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng đã sớm ban hành thành lập bộ máy, các Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai tập huấn cơ sở, chuẩn bị các trang thiết bị cơ sở vật chất tăng cường cho kỳ thi, xây dựng đội ngũ, làm tốt công tác truyền thông, phối hợp với các sở, ngành để xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động của kỳ thi theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Đến giờ phút này có thể khẳng định, từ Bộ GD&ĐT đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố, các Sở Giáo dục đã chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi an toàn nghiêm túc, đúng quy chế thân thiện và hết sức chu đáo.
PV: Một trong những vấn đề được nhắc tới nhiều trong những năm qua và vẫn tiếp tục được nhắc lại nhiều lần trong năm nay, đó là phòng, chống gian lận thi cử, nhất là thiết bị công nghệ cao. Thứ trưởng có lưu ý gì với Hội đồng thi 63 tỉnh/thành phố về vấn đề này?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Phòng, chống gian lận tiêu cực trong thi cử nói chung, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ cao để nhằm mục đích gian lận trong thi cử là một trong những nội dung mà Bộ GD&ĐT cùng phối hợp với Bộ Công an đã xác định là một vấn đề chứa đựng nhiều rủi ro. Cho nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tập huấn để cho cán bộ giáo viên có nghiệp vụ, có kinh nghiệm chủ động phát hiện ra những thí sinh có biểu hiện sử dụng công nghệ đó. Thứ 2, tập trung cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh, cán bộ coi thi đặc biệt lưu ý việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận, đặc biệt để làm lộ lọt đề thi. Đây là nội dung thuộc bí mật danh mục bí mật quốc gia nên rất có thể dẫn tới xử lý hình sự, do vậy chúng ta cần kịp thời cảnh báo, ngăn chặn và răn đe để các thí sinh cũng như các đối tượng không vi phạm tới nội dung này.
PV: Chỉ còn vài ngày nữa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra, Thứ trưởng còn những lưu ý gì khác để việc tổ chức kỳ thi đúng như tinh thần mà ông đã chỉ đạo trong cuộc họp trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo thi quốc gia với Ban chỉ đạo thi 63 tỉnh/thành phố mới đây là “an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế, chu đáo và thân thiện”?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Trước hết, tôi mong muốn Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố và toàn lực lượng chúng ta tham gia tổ chức kỳ thi này quán triệt một cách đầy đủ nghiêm túc, chu đáo Chỉ thị số 15 ngày 16/5 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường lãnh đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với những nhóm vấn đề sau:
Thứ nhất là lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và sâu sắc.
Thứ hai là phối hợp nhịp nhàng, thông suốt, hiệu quả.
Thứ ba, trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải đúng quy trình, quy chế.
Thứ tư, trong công tác chuẩn bị phải chu đáo và toàn diện.
Thứ năm, công tác truyền thông phải kịp thời đầy đủ và mục đích cao nhất là tuyệt đối không được chủ quan, với tinh thần tất cả tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi đặc biệt đối với những thí sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn với phương châm, không để bất cứ một thí sinh nào vì điều kiện khó khăn về kinh tế, về giao thông cách trở mà không đến được trường thi, chúng ta phải chuẩn bị tổ chức một kỳ thi an toàn tuyệt đối, nghiêm túc an toàn nhưng thân thiện và chu đáo.
PV: Với kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, Thứ trưởng muốn chia sẻ gì đến các em học sinh và đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đối với các em học sinh, tôi mong rằng, các em giữ gìn sức khỏe vào phòng thi với thể trạng thoải mái nhất. Nghiên cứu kỹ lưỡng đề thi, vận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng đã được học để làm bài và tuyệt đối không vi phạm quy chế. Đối với các cán bộ tham gia coi thi, thực hiện đúng theo chỉ đạo của Bộ là “4 đúng, 3 không” với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tạo nên một trường thi nghiêm túc, an toàn nhưng thân thiện và chu đáo.
PV: Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng.