Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về 2 phương án cấm nồng độ cồn trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7, vào ngày 27-6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Một nội dung vẫn còn nhiều ý kiến đại biểu khác nhau là quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Để chuẩn bị cho việc thông qua dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này.
Theo đó, có 2 phương án được xin ý kiến.
Phương án 1: Quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Phương án 2: Quy định cấm theo mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tương tự quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Thực tiễn áp dụng cấm tài xế có nồng độ cồn đang phát huy kết quả tốt
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ưu điểm của phương án 1 là tiếp tục kế thừa của quy định trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (khoản 8 Điều 8), và thống nhất với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (khoản 6 Điều 5).
Quy định này cũng góp phần phòng ngừa vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, làm giảm tai nạn giao thông đường bộ, giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm ẩn do việc sử dụng rượu, bia gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển, người tham gia giao thông đường bộ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình và toàn xã hội.
Thực tiễn áp dụng phương án 1 đang phát huy kết quả tốt, được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, thực hiện.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án này không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ tốt hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định.
Quy định theo phương án 1 sẽ góp phần phòng ngừa các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích do bị kích thích bởi nồng độ cồn trong người tham gia giao thông đường bộ khi có va chạm giao thông.
Hạn chế là quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn có thể làm thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia của một bộ phận người dân Việt Nam trong sinh hoạt văn hóa như đám hiếu, hỷ, liên hoan, lễ, Tết…
Làm giảm mức tiêu thụ đồ uống có cồn và tác động tới việc làm, thu nhập của một bộ phận người lao động và người chủ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.
Với phương án 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ưu điểm là việc quy định ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không làm thay đổi thói quen của những người sau khi đã sử dụng rượu, bia vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Cùng đó, phương án có giới hạn nồng độ cồn cũng sẽ ít tác động tới mức tiêu thụ đồ uống có cồn, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn và tác động tới người lao động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án có giới hạn nồng độ cồn có nhiều hạn chế, như tiếp tục có nguy cơ gia tăng vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các vụ tai nạn giao thông đường bộ.
Điều này dẫn đến nguy cơ làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, như các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.
Cùng đó, khi quy định trong luật ngưỡng nhất định, người uống rượu, bia khó xác định ngưỡng để dừng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.
Điều này cũng dẫn đến nguy cơ xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ có va chạm giao thông bị kích thích do đã sử dụng rượu, bia.
Một số đại biểu Quốc hội cho biết đã hoàn thành việc lựa chọn phương án. Trong đó, nhiều đại biểu chọn phương án 1, cấm tuyệt đối. Nhưng cũng có đại biểu chọn phương án 2, cho rằng cần có ngưỡng thấp nhất như Luật Giao thông đường bộ 2008.