Chiều 19/6, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV tiếp tục với phiên thảo luận ở tổ với nội dung thảo luận Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Dự án Luật Phòng không nhân dân. Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có tham luận đối với Dự thảo Luật Phòng không nhân dân do Chính phủ trình.
Khi nói về sự cần thiết của việc ban hành Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, công tác này thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, thể hiện qua các văn bản chỉ đạo như: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Kết luận số 01-KL/TW ngày 4/4/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Tham gia xây dựng Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, khoản 1 Điều 5 về “Nhiệm vụ phòng không nhân dân” có nêu: “Phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét”. Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ “và các lực lượng khác” và được viết lại là: “Phối hợp với lực lượng phòng không quốc gia, phòng không lục quân và các lực lượng khác sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống địch tiến công đường không và quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét”. Lý do việc bổ sung là để đồng bộ với quy định của khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật này.
Tiếp đó, tham gia xây dựng khoản 2 Điều 9 về “Cơ quan chỉ đạo phòng không nhân dân”, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung “Điểm e” với nội dung là: “Xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí hoạt động hàng năm cho nhiệm vụ hoạt động phòng không nhân dân từ nguồn ngân sách nhà nước theo cấp thẩm quyền quy định”. Lý do mà Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị là để phù hợp với khoản 2 Điều 41 của dự thảo Luật này.
Với điểm g khoản 1 Điều 18 của Dự thảo Luật Phòng không nhân dân quy định: “Xây dựng công trình phòng không nhân dân”, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, cần bỏ nội dung này với lý do là chỉ rõ tại điểm a khoản 2 Điều 20.
Tại Điều 29 về “Đăng ký, khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ”, điểm c khoản 2 dự thảo Luật quy định: “Người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không”. Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét, đánh giá kỹ việc quy định tiêu chí “có kiến thức về hàng không”.
Lý do là rất khó áp dụng trong thực tế, hiện đa phần người khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện tàu bay siêu nhẹ chưa có kiến thức về hàng không, nội hàm của khái niệm “kiến thức về hàng không” cũng đang thiếu rõ ràng, cụ thể.
Tại điểm a khoản 4 Điều 29 quy định về miễn giấy phép bay đối với trường hợp:“Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, ở cự ly ngắn, độ cao dưới 50 mét…”. Đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định theo tiêu chí trọng lượng của thiết bị bay hoặc trọng tải, trọng lực tối đa mà thiết bị bay có thể đem theo. Vì việc quy định tiêu chí theo độ cao rất khó trong việc đo đếm, xác định khi theo dõi, quản lý, nhất là việc phát hiện vi phạm để xử lý trong các trường hợp cụ thể.
Cũng tại bài phát biểu của mình, đại biểu Sùng A Lềnh còn tham gia xây dựng trực tiếp đối với Điều 45 về “Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng”.